Thứ 5, 09/01/2025, 22:13[GMT+7]

Thế giới nói gì về vụ Nga bắt tàu Ukraine?

Thứ 3, 27/11/2018 | 17:03:23
6,162 lượt xem
Các nước phương Tây đồng loạt lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine bị cáo buộc vi phạm lãnh hải Nga gần bán đảo Crimea ngày 25/11.

Tàu Ukraine bị lai dắt và neo lại cảng Kerch sau khi bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ. (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/11, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã chỉ trích việc Nga bắt giữ tàu hải quân Ukraine ở eo biển Kerch là vi phạm pháp luật, đồng thời kêu gọi Moscow thả các tàu và thủy thủ của Ukraine.

"Những gì chúng tôi chứng kiến cuối tuần qua là một hành động liều lĩnh nữa của Nga. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Ukraine trước các hành động gây hấn của Nga", CNBC dẫn lời Đại sứ Haley nói.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không thích những gì đang xảy ra giữa Nga và Ukraine. "Chúng tôi không thích chuyện đang xảy ra. Hy vọng rằng chuyện này sẽ được giải quyết ổn thỏa", ông Trump chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm qua. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết thêm, các lãnh đạo châu Âu đang phối hợp để giải quyết tình hình.

Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ đã hối thúc Tổng thống Trump tăng cường viện trợ an ninh cho Ukraine trước cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. "Chính quyền Tổng thống Trump cần ngay lập tức tăng viện trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp trang thiết bị, vũ khí hàng hải. Tôi hối thúc Tổng thống Trump thực hiện những biện pháp này trước cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần này bên lề hội nghị G-20", một thượng nghị sĩ Mỹ nói. Thượng nghị sĩ này cũng hối thúc NATO tăng cường các cuộc tập trận và sự hiện diện ở Biển Đen.

NATO và Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã kêu gọi các bên kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng tình hình. Mặt khác, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cũng nhấn mạnh, liên minh này đề nghị Nga “đảm bảo không cản trở việc tiếp cận các cảng của Ukraine ở biển Azov theo luật pháp quốc tế”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chỉ trích hành động của Nga bắt giữ tàu Ukraine là "sử dụng vũ lực ở biển Azov".

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng chỉ trích việc Nga phong tỏa eo biển Kerch dẫn vào biển Azov sau khi cáo buộc tàu Ukraine xâm phạm lãnh hải. Ngoại trưởng Maas cho biết, Đức và Pháp sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nếu cần thiết nhằm tránh tình hình leo thang.

Trong khi đó, Áo bày tỏ lo ngại về việc Ukraine thông qua thiết quân luật 30 ngày. Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cho biết, nước này sẽ làm hết sức mình để ngăn căng thẳng leo thang.

Giới ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng hối thúc các bên kiềm chế để tránh xung đột ở Biển Đen. Bắc Kinh cho rằng, các bên cần đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề “thông qua đối thoại và tham vấn”.

Những kêu gọi và chỉ trích trên được đưa ra sau khi Nga xác nhận đã bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ của Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải của Nga ở eo biển Kerch dẫn vào biển Azov trên Biển Đen. Bất chấp Ukraine và các đồng minh phương Tây đề nghị Nga trao trả ngay lập tức tàu và thủy thủ Ukraine, Moscow cho biết sẽ chưa thể đáp ứng.

"Chưa phải lúc thích hợp để bàn về việc thả các con tàu. Rõ ràng đây là hành động đã có sự tính toán từ trước, nằm trong kế hoạch khiêu khích, nhằm vào những căng thẳng đã tồn tại trong khu vực, để dựng chuyện nhằm bôi nhọ nước Nga", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Theo Dân Trí

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày