Thứ 5, 02/01/2025, 03:32[GMT+7]

Hũ hành muối của bà

Thứ 2, 03/12/2018 | 08:28:46
1,714 lượt xem
Bà ngoại đi chợ phiên về, một bó hành to xanh mướt nằm vắt mình lên mép làn nhựa. Tôi vừa nâng bó hành trên hai bàn tay nhỏ xíu vừa rao: “Dọc bằng đòn gánh/Củ bằng bình vôi/Ai mua hành tôi/Thì thương tôi với!” Bà nhìn tôi miệng nhai trầu cười móm mém.

Củ nào củ nấy to bằng đầu ngón tay cái người lớn đều tăm tắp. Bà bảo đừng ham củ to xốp xồm xộp không ngon. Trưa hôm ấy, đàn lợn không được uống nước vo gạo nữa, bà để dành ngâm hành. Ngâm một ngày một đêm cho hành bớt hăng và bụi bẩn tự bong ra hết. Hai bà cháu ngồi bóc hành, nước mắt ngắn nước mắt dài, bà nhìn cháu, cháu nhìn bà cười vang cả hiên nhà. Những củ hành để lộ lớp da trắng nõn nà. Những ngón tay gầy guộc như đốt tre của bà lướt nhanh trên những củ hành. Bà dặn chỉ cắt bớt rễ, để lại gốc nếu không hành sẽ dễ bị ủng. Ngâm được một hũ hành muối cũng lắm cầu kỳ. Cho hành vào vại sành xóc đều với hai nắm muối. Ngày bốn năm lần xóc cho ra hết nước đen. Đến ngày thứ ba, đổ hành ra rổ, để ráo nước. Bà bảo khi ấy mới là thời điểm muối hành. Bà kể ngày xưa dùng muối còn giờ trời đất ẩm ương phải dùng mắm làm chín hành để giòn và lâu hỏng hơn. Bà tỉ mẩn pha đường, nước mắm, dấm và nước lọc rồi nếm thử. Bà bảo bà chẳng có công thức gì, chỉ dựa vào trực giác, trực giác của một người phụ nữ 70 năm cuộc đời, 60 năm bếp núc. Bà bắc nồi mắm pha lên bếp, đun sôi rồi đậy vung để nguội.

Hũ sành muối hành được tắm táp kỳ cọ sạch sẽ úp trên nóc bể nước mưa từ mấy hôm trước. Bà cẩn thận lau lại một lần từ trong ra ngoài, hũ sành nhột nhoạt cười vang kin kít. Tôi bưng chiếc ghế đẩu ngồi cạnh bà ở cửa bếp, bà một củ, tôi một củ xếp hành vào hũ, cứ một lượt lại điểm vài quả ớt tươi đỏ ấm áp. Hành cứ cao dần cao dần, một nhoáng đã lấp đầy hũ sành. Nước mắm pha len lỏi cuộn tròn ôm trọn lấy từng củ hành.
Bà cài mấy nan tre thành hình ngôi sao ở miệng hũ sành để hành đằm mình trong nước ngâm. Đậy kín rồi bà khệ nệ bưng đặt trong tủ chạn. Ngày nào cũng thế, cứ đi đâu về là tôi lại chạy một mạch vào bếp ngó nghiêng lên chạn cứ như thể trong hũ sành ấy là kho báu cổ tích vậy. “Hành muối ăn được chưa bà”, “sao lâu vậy bà”, “bao giờ thì chín ạ”… bà chỉ lắc đầu cười.

Thực ra với đứa trẻ lên năm lên sáu món hành muối chẳng phải khoái khẩu mà tôi háo hức đợi chờ được thưởng thức thành quả của hai bà cháu. Để tìm câu trả lời mà tôi ngồi chống cằm cả tiếng đồng hồ suy nghĩ mãi không ra tại sao bà nặng lòng đến thế với mấy củ hành muối?

Bữa cơm tất niên, bát hành muối khép nép giữa ê hề nem, thịt gà, thịt đông, giò chả, canh miến lòng gà… Thế nhưng vị chua chua, ngọt ngọt thêm chút cay cay như một nốt trầm xao xuyến giữa những thanh âm béo ngậy mỡ màng.

Cũng đã hơn mười năm kể từ ngày bà mất, thằng bé là tôi ngày ấy bây giờ cũng đã có hai con một trai, một gái. Bây giờ có thèm được nhón tay ăn vụng một củ hành muối của bà cũng chẳng được nữa.

Lũ trẻ ngày nay chẳng được ông bà, bố mẹ cầm tay chỉ việc sắm sửa tết. Người ta chọn mua đồ làm sẵn cho tiết kiệm thời gian, công sức. Chẳng trách mỗi khi tôi hỏi hai đứa con: “Bánh chưng, giò lụa, thịt gà là từ đâu”, chúng nó hồn nhiên trả lời: “Dạ siêu thị ạ”.

Đào Mạnh Long 
(Vĩnh Bảo, Hải Phòng)