Thứ 2, 25/11/2024, 10:41[GMT+7]

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11

Thứ 3, 04/12/2018 | 07:40:01
969 lượt xem
Ngày 3-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thành dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2019 bảo đảm chất lượng cao nhất, tạo cải cách, đột phá mạnh hơn nữa. Đề cập tình hình tháng 11 và 11 tháng qua, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành chủ động theo dõi chặt tình hình quốc tế và trong nước, có phản ứng kịp thời, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục diễn biến tích cực, toàn diện.

Thủ tướng khẳng định, đến thời điểm này, có thể nói, chúng ta chắc chắn sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2019. Dựa trên đánh giá mới nhất về môi trường kinh doanh của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất, kinh doanh đang diễn biến thuận lợi cho chúng ta; niềm tin của nhà đầu tư, kinh doanh đang tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phát huy trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý những tồn tại, hạn chế, bất cập; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục yếu kém ở các cấp, các ngành, nhất là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, xa dân, tham nhũng vặt...; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết xây dựng, kiên trì bảo vệ lợi ích của đất nước. Tinh thần này phải được lan toả đến từng doanh nghiệp, người dân; phải xoá bỏ tư duy cũ; áp dụng công nghệ mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm: các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tổng kết năm theo tinh thần đánh giá vấn đề thực chất, không làm phô trương, hình thức; nhận thức tồn tại, bất cập, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong năm 2019. Bắt tay ngay vào xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01. Phải cụ thể hoá Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất, cao hơn mức được giao. Các giải pháp trong Nghị quyết 01 phải giải quyết được các “điểm nghẽn” của nền kinh tế; phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng chất lượng tăng trưởng và xử lý bất cập của xã hội là những điều người dân đang mong mỏi. Trong quá trình làm phải tạo một số đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo; hành động và hành động hơn nữa; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ là những hướng đi quan trọng.

Ngay tháng 12 này, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm và giáp Tết; chú trọng bảo đảm lo Tết cho người dân về mọi mặt, trong đó chăm lo cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; đề phòng, hạn chế những mặt trái, tiêu cực trong dịp Tết; chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu; thế giới chống buôn lậu, hàng giả; bảo đảm nhu cầu đi lại cho dân; bảo đảm an toàn trật tự xã hội, mở đợt cao điểm phòng, chống, trấn áp tội phạm. Chú trọng xây dựng, cải cách thể chế, phát hiện những bất cập trong chính sách để chủ động tháo gỡ. Những vấn đề chính sách liên quan quyền lợi của người dân phải được thảo luận kỹ lưỡng.

Tăng cường bảo đảm ổn định vĩ mô; bảo đảm ổn định giá cả, nhất là bảo đảm điều chỉnh hợp lý giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như giá điện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính phối hợp bảo đảm thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khoá; quản lý tốt thị trường ngoại hối, giá cả dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.

NHNN tiếp tục theo dõi chặt thị trường, có chính sách điều hành linh hoạt, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động thông suốt. Tín dụng chính thức của ngành ngân hàng phải được đẩy mạnh hơn, trách nhiệm cao hơn, nhất là tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thanh toán điện tử. Ngành tài chính quyết liệt chỉ đạo ngành thuế chống thất thu thuế, chống chuyển giá; bảo đảm mức thu ngân sách đã đề ra; tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá, thuế. Tập trung đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là dự án lớn, quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới; tích cực phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí; đẩy mạnh công tác cổ phần hoá các DN Nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khác nghiên cứu, theo dõi chặt tình hình thế giới ảnh hưởng xuất khẩu Việt Nam để có đối sách kịp thời; khuyến khích người dân tiêu dùng nội địa, phải đưa ra khẩu hiệu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp, nghiên cứu đề xuất phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đổi mới sáng tạo; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân nhằm bảo đảm không thiếu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó đưa Việt Nam phải là trung tâm thế giới về chế biến gỗ và hàng nội thất.

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, các bộ, ngành, địa phương giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước; tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các công trình trọng điểm. Bộ Xây dựng có biện pháp, giải pháp kiểm soát, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai các dự án đường cao tốc phía đông, sân bay Long Thành...; có một số giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường không; có phương án bảo đảm phục vụ đi lại cho nhân dân dịp Tết, kiểm soát chặt tải trọng xe.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ vấn đề trách nhiệm quản lý rác thải ở nông thôn, tăng trưởng xanh và nguồn lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chấn chỉnh công tác giáo dục mầm non, tiểu học, tăng cường không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm tội phạm liên quan tín dụng đen. Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương có chương trình vận động thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy manh tuyên truyền đề tạo ra ý chí dân tộc trong phát triển đất nước.

Tại phiên họp, Thủ tướng thông báo quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phụ trách nhằm tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm hiện nay.

11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 216,82 tỷ USD, tăng 12,4%; xuất siêu 6,8 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,1%; cả nước có hơn 121 nghìn DN được thành lập mới với số vốn đăng ký ước đạt hơn 1,23 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% về số DN và tăng 9,1% về vốn đăng ký; có 31.869 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 30,9% so cùng kỳ năm trước. 


Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày