Thứ 2, 23/12/2024, 09:41[GMT+7]

Gắn dạy nghề, giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững

Thứ 3, 04/12/2018 | 08:29:47
2,040 lượt xem
Những năm gần đây, Thái Bình chú trọng thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều nông dân xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) có việc làm ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hiện nay, tỉnh ta vẫn còn 46.000 hộ nghèo và cận nghèo đang rất cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng để họ vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Các tổ chức thành viên của mặt trận tín chấp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh, vay vốn học sinh, sinh viên, vay vốn đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, vay vốn xuất khẩu lao động... có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Tính chung 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng đã cho 148.029 lượt hộ vay với số tiền 2.357 tỷ đồng; trong đó có 104.513 lượt hộ nghèo, 43.516 lượt hộ cận nghèo. Nhiều hộ nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả vốn đúng hạn. Việc áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng tiết kiệm đã tạo được sự tương trợ giữa những người vay, đồng thời góp phần giảm các khoản vay quá hạn. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, 10 năm qua, toàn tỉnh đã cấp trên 1.588.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo với tổng kinh phí trên 548 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm người cận nghèo và người nghèo thiếu hụt đa chiều phải đóng khi tham gia bảo hiểm y tế từ năm 2013 bằng nguồn ngân sách tỉnh. Với mục tiêu bảo đảm cho con của hộ nghèo có điều kiện cần thiết, tối thiểu trong học tập, tạo điều kiện được tiếp cận với các trường đào tạo dạy nghề, tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí cho trên 162.000 lượt học sinh thuộc hộ nghèo với kinh phí trên 32 tỷ đồng, nhờ đó tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Sau gần 9 năm (2009 - 2018) triển khai thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây dựng nhà cho 5.980 hộ, tổng số vốn giải ngân trên 117 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu thực hiện chính sách khác hỗ trợ cho hộ nghèo như: hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ lao động hộ nghèo được đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người thuộc hộ nghèo...

Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, những năm qua, Thái Bình đã  tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề cho các đơn vị dạy nghề với số tiền 73,9 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề đã giúp các cơ sở mở rộng được quy mô và nâng cao được năng lực, chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Người lao động có điều kiện để nâng cao kỹ năng thực hành nghề; chất lượng lao động dần đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổng kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề 78,974 tỷ đồng, đã dạy nghề cho 77.077 người. Số lao động có việc làm học nghề phi nông nghiệp sau đào tạo bình quân đạt 75%. Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chị Phạm Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH Hương Liên, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: Bản thân tôi là nông dân. Nhờ chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dạy nghề tạo việc làm cho lao động nông thôn tôi đã tìm được công việc ở một doanh nghiệp ngay tại quê hương. Nhờ có công việc ổn định, đến nay tôi hoàn toàn thoát ly đồng ruộng, không còn cấy lúa vì thu nhập của cả gia đình đều rất ổn định từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề may.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ngoài ra còn có trường đại học, các doanh nghiệp... tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; 8/8 huyện, thành phố đã có trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, đây là nòng cốt trong việc triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Chính sách về dạy nghề được đổi mới, đặc biệt ưu đãi đối với nhóm lao động thuộc hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm... đã khuyến khích được nhiều người lao động tham gia học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, ổn định đời sống, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hàng năm. Đặc biệt, việc xã hội hóa hoạt động dạy nghề đã huy động tiềm năng, cơ sở vật chất của một số tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đóng góp cho phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm (bình quân 2,5%/năm), góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh.

Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh 10 năm qua đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Thái Bình từ 10,3% (năm 2008) xuống 8,5% (năm 2010) (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010); từ 8,12% (năm 2011) xuống còn 2,9% (năm 2015) (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và từ 6,61% (năm 2016) xuống 4,01% (năm 2017), năm 2018 dự kiến giảm còn 3,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày