Thứ 7, 23/11/2024, 02:23[GMT+7]

Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu: Bảo đảm khách quan, dân chủ

Thứ 2, 10/12/2018 | 08:15:17
2,046 lượt xem
Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI và kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh sắp tới sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hoạt động trong công tác giám sát của cơ quan dân cử, nhận được sự đồng tình cao của cử tri và nhân dân. Để hiểu rõ hơn về đối tượng, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ chín bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HDND tỉnh bầu.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn?


Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh: Lấy phiếu tín nhiệm là việc HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Cuộc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần này ở Quốc hội, HĐND các cấp thể hiện quyết tâm của Đảng ta xây dựng bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021.


Phóng viên: Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm những ai, thời điểm, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm từ khi nào, thưa đồng chí?


Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 85 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã quy định trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.


Đây là lần thứ ba HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn. Ở cấp tỉnh, năm 2013 là 17 người, năm 2014 là 13 người, năm 2018 dự kiến là 27 người. Thành phần lấy phiếu tín nhiệm không thay đổi nhưng số lượng người được lấy phiếu tín nhiệm tăng lên là do: căn cứ Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND thì số lượng thành viên ủy viên UBND tỉnh tăng nên số lượng người lấy phiếu tín nhiệm tăng lên.

Chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021.


Phóng viên: Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm thực hiện những công việc gì, thưa đồng chí?


Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh: Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, theo quy trình rất kỹ lưỡng. Trước hết, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và quá trình tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm đánh giá về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tự đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Báo cáo được gửi đến từng đại biểu nghiên cứu, trên cơ sở đó đại biểu HĐND tỉnh xem xét, biết được khả năng, kết quả, hiệu quả công việc của người được lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải được kê khai tài sản - ngay khi ứng cử đã phải kê khai, để cử tri kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, chính đáng; qua đó kiểm soát và giám sát nguồn thu nhập, bảo đảm người giữ chức danh do HĐND tỉnh bầu không những hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao mà còn phải bảo đảm tính liêm khiết, trong sạch; đồng thời, giải trình những vấn đề mà cử tri và đại biểu yêu cầu làm rõ.


Phóng viên: Để việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, hiệu quả, khách quan thì vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu phải được đề cao như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh: Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt mục đích, yêu cầu đề ra, ngoài làm tốt công tác chuẩn bị, trách nhiệm chính thuộc về mỗi đại biểu HĐND. Đại biểu cần nhận thức rõ lá phiếu của mình là thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân mong muốn một cuộc sát hạch kiểm nghiệm chất lượng nhân sự chủ chốt trong bộ máy chính quyền địa phương do HĐND bầu. Mỗi đại biểu cần có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân và cử tri; cần khách quan, trung thực, vô tư, trong sáng. Tránh tình trạng bỏ phiếu theo cảm tính, không kiểm tra, kiểm nghiệm kết quả theo thực tế, bỏ phiếu cho xong, đơn giản, hình thức. Tránh cảm tính, thù ghét cá nhân, không ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí mình, thậm chí làm lệch lạc, méo mó, triệt hạ uy tín của nhau. Cần ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực như tranh thủ phiếu, vận động phiếu, cả nể, thành kiến.


Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, các đại biểu cần căn cứ vào báo cáo tự đánh giá kết quả làm việc của người được lấy phiếu tín nhiệm. Cần cân nhắc tình hình mọi mặt của địa phương để đánh giá năng lực của người đó ở mức độ nào so với chức trách, nhiệm vụ được giao, các vị có làm tròn trách nhiệm của mình hay không đối với lĩnh vực được phân công phụ trách. Đây là thước đo chính xác nhất trong đánh giá người đó tín nhiệm cao, tín nhiệm hay tín nhiệm thấp, hoàn thành nhiệm vụ tốt hay không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy cuộc lấy phiếu tín nhiệm mới đạt kết quả cao nhất.


Phóng viên: Xin đồng chí cho biết để thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các công việc như thế nào?


Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh:
Thường trực HĐND tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 nên đã thảo luận, cho ý kiến chi tiết, cụ thể về đối tượng, nội dung, trình tự tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho Thường trực HĐND các huyện, thành phố; có văn bản chỉ đạo Thường trực HĐND các huyện, thành phố hướng dẫn HĐND cấp xã triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; đồng thời, có văn bản gửi những người được lấy phiếu tín nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gửi về Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp để gửi đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cơ bản hoàn tất.


Phóng viên: 
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI

Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 9 - 11/12/2018. Trước kỳ họp, phóng viên Báo Thái Bình đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới HĐND tỉnh, các cấp, các ngành xem xét, giải quyết.
Ông Đỗ Hữu Đông, xã Thụy Trình (Thái Thụy)

Qua theo dõi, tôi thấy hoạt động của HĐND các cấp thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, có những đổi mới như giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa điều hành kỳ họp linh hoạt hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp, UBND tỉnh đã báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi kỳ họp trước. Ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cấp, các ngành quan tâm xem xét để giải quyết. Cùng với đó, HĐND tỉnh, huyện, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nên đã có ý kiến cử tri được giải quyết thấu đáo. Song nhìn chung tỷ lệ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thỏa đáng chưa cao. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND các cấp sau khi tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri tới các ngành liên quan cần phân công người thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tăng cường giám sát việc giải quyết; đồng thời, có chế tài xử phạt các ngành, đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là các kiến nghị đã rõ việc, có địa chỉ rõ ràng.

Ông Vũ Văn Thuân, xã Thăng Long (Đông Hưng)

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhiều điểm trường và trường có quy mô nhỏ đã được sắp xếp, sáp nhập lại bảo đảm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị gắn với giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Việc sáp nhập trường đã giảm được đội ngũ cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó), cán bộ thư viện, kế toán, giảm một phần hiện tượng dạy chéo ban, chéo môn… Tuy nhiên, sau sáp nhập, những cán bộ trong diện giảm, dôi dư đang rất tâm tư vì bỗng nhiên công việc bị xáo trộn, được giao đảm nhận việc không đúng với chuyên ngành, về lâu dài thì công việc ra sao? Vì vậy, các cấp, các ngành cần sớm có hướng giải quyết công việc ổn định cho những cán bộ dôi dư; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mới thực hiện sáp nhập trường; giải quyết đồng bộ các vấn đề đặt ra từ cán bộ, giáo viên đến cơ sở vật chất.

Ông Đỗ Ngọc Hải, xã Tây Giang (Tiền Hải)

Tôi rất phấn khởi khi biết Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thành lập khu kinh tế Thái Bình, bao gồm 30 xã và 1 thị trấn trong đó có xã Tây Giang. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, mang tính đột phá của tỉnh. Do đó, tôi mong các cấp, các ngành sớm triển khai dự án để tạo đà phát triển cho tỉnh nói chung, huyện Tiền Hải nói riêng; tập trung xây dựng khu vực ven biển trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh để khai thác tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất ven biển, nguồn năng lượng dồi dào và phát huy lợi thế của tuyến đường bộ ven biển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong và ngoài tỉnh.
Bà Trịnh Thị Oanh, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình)

Việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư là cần thiết, người dân trong diện thu hồi hầu hết đồng tình, thống nhất cao. Song theo tôi, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải giúp người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống. Hiện nay, giá đền bù, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, giá đền bù có nơi còn chưa thống nhất. Quy định giá đền bù giải phóng mặt bằng của nhà nước có nơi thấp hơn một số doanh nghiệp thuê đất. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tái định cư, bảo hiểm y tế, đào tạo chuyển đổi nghề sau thu hồi đất chưa bền vững chính là căn nguyên dẫn đến việc người dân khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định xã hội. Để bảo đảm hài hòa quyền lợi của người bị thu hồi đất thực hiện dự án, đề nghị hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước phải ổn định lâu dài, có sự thống nhất cao, không chồng chéo; công khai, minh bạch giá đền bù và các khoản hỗ trợ khác.

Bà Phạm Thị Huân, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ)

Nhiều năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã tạo động lực to lớn xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương. Đặc biệt, hoạt động của làng nghề đã sử dụng một lượng lớn lao động tại chỗ, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông nhàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề thời gian qua bên cạnh mặt tích cực trên đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Do phát triển làng nghề phần lớn vẫn manh mún theo hộ gia đình cộng với ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ làm nghề thấp nên ở đa số làng nghề người dân vẫn tùy tiện xả chất thải, nước thải ra môi trường tự nhiên, coi việc xử lý ô nhiễm môi trường là việc của các cơ quan chức năng. Mặt khác, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm tương đối lớn nên “giải pháp tối ưu” nhất ở các làng nghề là xả thẳng chất thải, nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi công cộng hoặc các ao, hồ trong khu vực. Việc làm này dẫn tới việc môi trường làng nghề bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh. Để phát triển kinh tế nông thôn bền vững, tôi đề nghị tỉnh rà soát, quy hoạch lại các làng nghề, với những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải kiên quyết xóa bỏ; những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể; đồng thời, phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Tiến Lạc, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư)

Cùng với cải cách về thể chế, bộ máy, thủ tục hành chính..., thời gian qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cán bộ trực tiếp tiếp dân ngày càng được nâng cao, đem lại sự hài lòng cho người dân khi đến giải quyết công việc. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn có một số cán bộ tiếp dân còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, có thái độ hách dịch, cửa quyền. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần xây dựng quy chế thống nhất tiếp dân; tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ tiếp dân chưa đúng mực (nếu có). Bố trí công chức, viên chức có đủ năng lực và có phẩm chất tốt làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Ông Lê Quý Trọng, xã Hoa Nam (Đông Hưng)

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thái Bình đã trở thành điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 200/264 xã và huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới. 64 xã còn lại phấn đấu về đích trong hai năm 2018 và 2019. Nhân dân đánh giá rất cao khi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các xã này, nhất là việc hỗ trợ 6 tỷ đồng/xã về đích đúng lộ trình, tiếp tục hỗ trợ xi măng, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất... để các xã hoàn thiện tiêu chí cần nhiều kinh phí và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, những xã chưa về đích đều là những xã đặc biệt khó khăn nên đề nghị tỉnh, huyện tiếp tục có hỗ trợ đặc thù, tháo nút thắt quy hoạch đất trong khu dân cư, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Ông Nguyễn Đình Hòa, xã Vũ Thắng (Kiến Xương)

Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và văn bản của Thường trực HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách thực hiện đề án tái cơ cấu giống gia súc, mỗi năm trung bình có trên 2,7 triệu lượt con gia súc của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng vắc-xin, đạt 92% tổng gia súc trong diện tiêm phòng. Các cấp, các ngành cùng người chăn nuôi làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch, đưa công tác phòng, chống dịch của tỉnh từ thế bị động sang thế chủ động. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ hàng vạn liều tinh trùng các giống lợn, bò để tái cơ cấu giống gia súc đã góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, bảo đảm tăng trưởng ổn định cho ngành chăn nuôi. Chúng tôi đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ trên, kiểm định, giám sát chặt chẽ và nâng cao chất lượng vắc-xin hỗ trợ. Chỉ đạo ngành chức năng làm tốt công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu thị trường để có định hướng phát triển.

Ông Vũ Xuân Điển, xã Hùng Dũng (Hưng Hà)

Thực phẩm bẩn, không an toàn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán trên thị trường đã trở thành nỗi lo của người tiêu dùng nhiều năm qua. Số người bị bệnh do dùng thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng ngày càng tăng trong khi công tác quản lý thị trường, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chế tài xử phạt những tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái chưa đủ sức răn đe. Thông qua các buổi tiếp xúc, cử tri đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần, đại biểu HĐND cũng đã chất vấn vấn đề an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tại kỳ họp HĐND các cấp; thủ trưởng ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn không giảm. Tôi đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách lựa chọn những thực phẩm an toàn; tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường, xử phạt thật nặng các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó cũng cần phải xem xét trách nhiệm của các ngành liên quan khi xảy ra các vụ việc về mất an toàn vệ sinh thực phẩm


Đỗ Hiền - Thu Thủy


Nguyễn Hình

(thực hiện)