Thứ 7, 11/01/2025, 04:41[GMT+7]

Xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Thứ 2, 10/12/2018 | 08:47:55
2,252 lượt xem
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn.

Gieo trồng cây màu hàng năm của tỉnh duy trì trên 30.000ha.

Quá trình phát triển các mô hình giúp tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của nông dân, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe, môi trường. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sạch, an toàn vẫn còn nhiều khó khăn.

Thái Bình có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, là 1 trong 3 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó diện tích trồng rau hàng năm của tỉnh duy trì trên 30.000ha. 

Theo số liệu của Cục Thống kê, từ năm 2010 đến năm 2017, diện tích sản xuất rau của tỉnh đã phát triển đáng kể, năm 2017 đạt 36.400ha, tăng 8.700ha so với năm 2010, sản lượng đạt 919.800 tấn, tăng 216.500 tấn so với năm 2010; trong đó, tập trung ở vụ đông với diện tích đạt trên 20.000ha. Đã hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa ở một số huyện trọng điểm như Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư... trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân ở các xã như Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Vũ Chính, Vũ Phúc, Vũ Lạc (thành phố Thái Bình), Song An, Trung An, Tân Phong, Tân Hòa (Vũ Thư)... Toàn tỉnh có 3 đơn vị được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn là HTX DVNN xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân (Kiến Xương) và cơ sở sản xuất nấm Hoa Anh (xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình). 

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã chỉ rõ một trong những thách thức và cũng là cơ hội cho tái cơ cấu nông nghiệp chính là thay đổi của nhu cầu thị trường, hướng tới những sản phẩm nông sản có chất lượng cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (là những tiêu chuẩn bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ; thực phẩm không chứa tác nhân gây bệnh, hóa chất; bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng, môi trường) đạt 25%. 

Đề án xây dựng vùng sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu từ năm 2018 đến hết năm 2020 sẽ xây dựng và mở rộng 250ha rau và 500ha lúa thực hiện sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn theo chuỗi. 

Với định hướng ấy, vụ đông năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai thí điểm 3 mô hình sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi tại các xã: Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Điệp Nông (Hưng Hà), Tân Phong (Vũ Thư), mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người sản xuất. Vụ đông năm nay, 2 mô hình sản xuất an toàn tiếp tục được thực hiện tại xã Vũ Lễ (Kiến Xương) và xã Tân Phong (Vũ Thư). Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân đã xây dựng mô hình sản xuất sạch, an toàn. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch ngày càng tăng cao, nguồn cung các sản phẩm rau sạch với số lượng lớn, ổn định cho các bếp ăn tập thể của công ty, bệnh viện, trường học... đã mở ra thị trường tiềm năng cho phát triển sản xuất rau an toàn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất rau an toàn của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng sản phẩm không đồng đều, tình trạng sản xuất rau chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn khá phổ biến. Khả năng thay đổi tập quán canh tác cũ, tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới của nông dân còn nhiều hạn chế; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn còn phức tạp, nông dân khó tiếp cận trong khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. 

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) thu hoạch rau màu.


Để nhân rộng và mở rộng quy mô các mô hình sản xuất rau an toàn, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về quy trình sản xuất rau an toàn, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất cây trồng an toàn về hạ tầng, kỹ thuật, mạng lưới tiêu thụ, công tác quản lý chất lượng nông sản...; đồng thời, tập trung chỉ đạo, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng vùng sản xuất an toàn theo chuỗi.

Lưu Ngần