Thứ 2, 23/12/2024, 13:37[GMT+7]

Bình Định đổi mới sau "tam nông"

Thứ 2, 10/12/2018 | 09:02:56
1,267 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại một diện mạo mới với nhiều khởi sắc cho người dân xã Bình Định (Kiến Xương). Trong những thành tựu chung ấy, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thực sự là một cú hích mạnh mẽ, làm đổi thay toàn diện bộ mặt nông thôn nơi đây. Kết quả đó là do Bình Định đã phát huy sức mạnh của người dân, huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hóa ngay từ khi thực hiện chương trình.

Trường mầm non Bình Định đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2018.

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại một diện mạo mới với nhiều khởi sắc cho người dân xã Bình Định (Kiến Xương). Trong những thành tựu chung ấy, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thực sự là một cú hích mạnh mẽ, làm đổi thay toàn diện bộ mặt nông thôn nơi đây. Kết quả đó là do Bình Định đã phát huy sức mạnh của người dân, huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hóa ngay từ khi thực hiện chương trình.

Ngay khi đặt chân tới đầu làng thôn Ái Quốc, chúng tôi đã thấy nhiều người dân trong làng hồ hởi phấn khởi chỉnh trang cảnh quan đường làng ngõ xóm. Cô Trần Thị Chín cho biết: Nói về NTM chúng tôi không những thực hiện đầy đủ các chủ trương của trên đề ra mà còn coi đây là nhiệm vụ của chính mình. Vui nhất là sau khi xây dựng NTM, người dân có đường lớn để đi, các công trình phúc lợi khang trang đầy đủ và chất lượng đời sống của người dân không ngừng cải thiện và nâng lên. 

Lãnh đạo Đảng ủy xã Bình Định cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng NTM, Bình Định xác định việc xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là thời cơ để địa phương bứt phá đi lên, từ đó quyết tâm phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2015. Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, trong đó có nhiều nghị quyết mang tính đột phá lớn như: dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân góp quỹ xây dựng NTM, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông thủy lợi, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, nghị quyết về việc lãnh đạo tổ chức cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn trong toàn xã…

Để hiện thực hóa các nghị quyết trên, địa phương đã huy động nguồn kinh phí để thực hiện xây dựng NTM với tổng số vốn gần 108 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp trên hỗ trợ 14 tỷ đồng, (chiếm 12,9%), ngân sách xã 36,56 tỷ đồng, (chiếm 33,9%), nhân dân góp 17,5 ha đất nông nghiệp, 9.320 m2 đất thổ cư (quy tiền trên 22 tỷ đồng), nhân dân đóng góp tiền và hiện vật trị giá gần 13  tỷ đồng, (chiếm 32,5%) lồng ghép các chương trình dự án 22,2 tỷ đồng (chiếm 20,5%) cùng hàng vạn ngày công xã hội hoá của nhân dân tham gia xây dựng các công trình. Với lượng kinh phí trên, Bình Định đã cứng hóa được 80,2 km đường giao thông, xây dựng 5 nhà văn hóa thôn, cứng hóa 18,6km kênh mương, xây mới 2 trạm bơm, xây mới 42 phòng học, xây dựng 1 chợ, 1 lò đốt rác, sân vận động và các hạng mục công trình văn hóa tâm linh tại các khu di tích và nhiều hạng mục công trình khác. Kết quả đến năm 2013,  Bình Định đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, được UBND tỉnh cấp bằng công nhận.

Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, bên cạnh việc hỗ trợ của ngân sách các cấp, thì việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân và con em xa quê có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ năm 2011 xã đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM trong 5 năm, mỗi năm 1 khẩu đóng góp 100.000 đồng. Đảng ủy, UBND xã đã gửi trên 1.000 lá thư kêu gọi con em xa quê đang lao động, công tác trong và ngoài nước hướng về quê hương đóng góp ủng hộ để tạo nguồn vốn quỹ xây dựng NTM với quan điểm con em ở thôn nào ủng hộ thì sẽ chuyển về thôn đó. Tiêu chí giao thông được coi là tiêu chí khó song để hoàn thành tiêu chí này, Bình Định đã linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức. Đối với đường giao thông thủy lợi nội đồng, xã đã vận động mỗi khẩu góp 20m2  đất để làm, đối với đường giao thông nông thôn, xã vận động nhân dân hiến đất và các công trình trên đất đồng thời tận dụng tối đa các công việc xây dựng NTM để nhân dân đóng góp ngày công. Với hình thức chỉ khoán từng phần công việc, còn toàn bộ phần nhân công đều phải huy động xã hội hóa trong toàn xã, đây là hình thức thi công cộng đồng dân cư vừa tiết kiệm được nguồn vốn vừa mang lại kết quả tốt nhất vì nhân dân tự làm tự giám sát không phải chi phí những nội dung không cần thiết. Đặc biệt, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn quỹ đóng góp của nhân dân, xã đã mở 8 tài khoản tiền gửi tại ngân hàng bảo đảm việc sử dụng vốn quỹ đúng mục đích, quy trình thủ tục, tiết kiệm, minh bạch. Đến nay, các thôn đều còn dư quỹ, là điều kiện thuận lợi để hàng năm duy tu, bảo dưỡng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng NTM của địa phương, lãnh đạo Đảng ủy xã khẳng định, trước hết phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, có sự chỉ đạo thống nhất về phương pháp, cách làm của tất cả các thôn trong toàn xã. Đặc biệt là phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm cao, không ngại khó, ngại vất vả của đội ngũ cán bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày