Thứ 3, 07/05/2024, 10:56[GMT+7]

Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới

Thứ 3, 11/12/2018 | 08:58:00
559 lượt xem
Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Gia Chính

Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới - đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thông tin này tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sáng 10/12. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thừa nhận vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang trở nên cấp bách.

"Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực", ông Hà nói.

Theo ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá huỷ.

Về công nghệ xử lý rác, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết: "Hơn 90% lượng rác ở Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Phương pháp này vô cùng độc hại và nguy hiểm. Rác chôn lấp khiến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất. Rác đốt thì sinh ra chất dioxin (chất da cam) gây biến đổi gen".

Trong khi đó, theo ông Đông, các nhà máy rác ở Việt Nam gần như không có phương án nào khác để xử lý rác. "Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể đáp ứng được. Nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng vì lý do này", ông Đông nêu.

Theo ông, nhiều đơn vị xây dựng nhà máy rác với công nghệ tiên tiến nhưng thực chất là "công nghệ ảo", không áp dụng được vào thực tế. Vậy nên, Nhà nước cần phải thị trường hóa việc đấu thầu xây dựng bãi rác. Các công ty sẽ tham gia đấu thầu công khai bằng giá và công nghệ. "Bộ Tài nguyên chọn ra phương án nào thích hợp nhất thì đưa vào áp dụng trên diện rộng. Khi có nhà thầu chứng minh được công nghệ của mình hiện đại hơn thì phải tạo điều kiện cho họ áp dụng", ông Đông nói.

Cuối hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên cho hay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng rác thải nhựa, Việt Nam đang sửa đổi Luật biển đảo để tạo khung pháp lý tốt hơn trong vấn đề này.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày