Thứ 2, 23/12/2024, 18:23[GMT+7]

Thái Bình: Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư

Thứ 4, 12/12/2018 | 08:32:18
1,014 lượt xem
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thái Bình đang tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi và coi đây là mũi nhọn tạo đột phá cho tỉnh.

Hoạt động nghiệp vụ tại Trung tâm hành chính công tỉnh.

Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xây dựng khu vực ven biển trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất ven biển, nguồn năng lượng khí mỏ, điện, than và phát huy lợi thế của tuyến đường bộ ven biển, kết nối thuận tiện với sân bay và cảng biển quốc tế Hải Phòng. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm, ít gây ô nhiễm môi trường, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp phụ trợ (lắp ráp thiết bị điện tử, linh kiện, động cơ ô tô, sản xuất phụ liệu ngành may), cơ khí chế tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm...

Về cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tỉnh cam kết thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách của Chính phủ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước; đồng thời ban hành và tổ chức thực thi nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư riêng của tỉnh ở các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh áp dụng đơn giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung giá do Nhà nước quy định và bổ sung thêm các hỗ trợ khác ngoài chính sách của Nhà nước với mức ưu đãi cao như: hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động và đổi mới khoa học công nghệ...ưu tiên quỹ đất sạch, giúp nhà đầu tư có mặt bằng sản xuất hoặc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về các ngành, lĩnh vực tỉnh khuyến khích, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: công nghiệp phụ trợ (sản xuất phụ kiện ngành dệt, may, giày da; sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, linh kiện, thiết bị ô tô, máy nông nghiệp)...; chế biến nông sản, thực phẩm (lúa, rau quả, thủy hải sản, gia súc gia cầm); dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; khu xử lý nước thải tập trung.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thái Bình khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây, giống con; thu mua chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (công nghệ nhà kính, công nghệ trồng trọt thủy canh, công nghệ tưới nhỏ giọt, lai tạo giống ...).Lĩnh vực thương mại dịch vụ: đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen...

Đối với lĩnh vực xây dựng, giao thông chú trọng đầu tư theo các hình thức PPP (BOT, BT) các dự án: tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua Thái Bình), tuyến  đường Đinh Tiên Hoàng đoạn còn lại đến đường Lý Bôn, đường Lê Đại Hành đoạn từ đường Lê Quý Đôn đến UBND phường Kỳ Bá, cầu qua sông 3-2, cầu qua sông Bồ Xuyên nối đường Phạm Thế Hiển với Khu đô thị 2 Trần Hưng Đạo; dự án xây dựng Hồ Ty Diệu; dự án đầu tư xây dựng công viên phía Bắc thuộc Công viên 30/6 Khu đô thị Trần Hưng Đạo; dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh; dự án đầu tư xây dựng công trình Khu liên hợp thể thao tỉnh; dự án đầu tư xây dựng Bể bơi thuộc Khu liên hợp thể thao tỉnh ...

Trong các cuộc xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định: Thái Bình trân trọng mời gọi và nhiệt liệt chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại, kịp thời tháo gỡ những khó, khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài và hiệu quả tại địa phương, Thái Bình cam kết và khẳng định sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn và tin cậy đối với các nhà đầu tư.

Mạnh Cường
 



  • Từ khóa