Thứ 6, 22/11/2024, 16:35[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất - ý Đảng hợp lòng dân (Kỳ 1)

Thứ 4, 12/12/2018 | 08:43:39
2,752 lượt xem
Tích tụ ruộng đất luôn được coi là yếu tố quan trọng cho phát triển nông thôn, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Với những cách làm riêng, thời gian qua huyện Hưng Hà đã có bước đi hiệu quả trong tích tụ ruộng đất, góp phần thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

KỲ 1: ĐỘT PHÁ TỪ ĐẤT

Trong những năm gần đây, từ việc dám nghĩ, dám làm, các mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa tập trung, liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã “trả vàng” cho những giọt mồ hôi, công sức của người nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng ở Hưng Hà.

Năm 2014, anh Bùi Đình Hiếu là người đầu tiên mạnh dạn thuê hơn 6ha đất của hơn 110 hộ dân xã Hồng An (Hưng Hà) và đầu tư gần 20 tỷ đồng mở trang trại trồng cây ăn quả và sản xuất cây giống. 

Anh Hiếu chia sẻ: Thời điểm tôi đứng ra thuê đất tại xã Hồng An, từ chính quyền đến người dân đều dè dặt trong việc hợp tác bởi khái niệm tích tụ ruộng đất còn rất mới mẻ. Sau nhiều lần đối thoại, họp bàn, tôi đã thành công trong việc thuê lại đất của các hộ dân trong 25 năm. Sau khi thuê lại đất của nông dân, với những hộ có nhu cầu canh tác, tôi tiếp tục thuê 15 - 30 lao động địa phương làm việc cho trang trại với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đến nay, sản phẩm của trang trại cung cấp chủ yếu cho hệ thống siêu thị và xuất đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định. Doanh thu hàng năm trung bình từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Trồng cà rốt tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Gom được hơn 4ha đất ven sông vốn trước là vùng trồng cây dâu tằm nhưng kém hiệu quả, sau khi cải tạo, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, thôn Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) đã quyết định trồng cam vinh và cam đường canh. Đến nay gia đình ông có khoảng 5.000 gốc cam và cho quả được 3 năm. Lứa đầu tiên thu được khoảng 20 tấn. Từ năm thứ tư trở đi, năm nào vườn cam cũng cho thu hoạch 40 - 50 tấn quả, thu lãi hàng trăm triệu đồng. 

Một hướng đi khác điển hình trong tích tụ ruộng đất ở Hưng Hà đó là mô hình trồng cây màu của anh Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Hồng Minh. Là người năng động trong sản xuất, đi tiên phong trong tích tụ ruộng đất ở địa phương, những năm trước anh Vũ thuê 20ha đất cấy lúa chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ đông năm nay anh mạnh dạn thuê 30ha đất, liên kết với doanh nghiệp trồng cây bí đỏ xuất khẩu. Anh tâm sự: Là giám đốc HTX, bản thân tôi luôn trăn trở làm gì và làm như thế nào để đất phải “trả vàng”. Vụ đông này “thiên thời, địa lợi” nên dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 400 tấn bí, trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.  

Cùng với các mô hình trên, có thể kể đến nhiều mô hình tích tụ sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao khác ở Hưng Hà như: mô hình thuê 27ha đất trồng cam của anh Nguyễn Công Yêu, xã Cộng Hòa; mô hình trồng bí xanh của anh Đỗ Gia Hưng, xã Chí Hòa, Trần Đức Thiêm, xã Điệp Nông..., thu nhập bình quân từ 200 - 600 triệu đồng/năm. Hay xã Tây Đô ngoài hai vụ lúa nông dân còn gieo trồng trên 200ha cây màu vụ hè và 300ha cây vụ đông, giá trị sản xuất bình quân đạt 170 triệu đồng/ha/năm, gấp từ 3 - 5 lần so với cấy lúa.

Có thể thấy, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa là hướng đi đúng của huyện Hưng Hà và đã “đánh trúng” niềm mong chờ của người nông dân, góp phần mang lại hiệu quả, giá trị sản xuất, tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. 

Nếu như năm 2012 toàn huyện tích tụ được trên 257ha đất canh tác thì đến nay đã có 26 xã, thị trấn thực hiện việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 575,9ha, tập trung vào 476 cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất. Trong đó có trên 160 hộ gia đình, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất với quy mô từ 1ha trở lên. 

Những mô hình này đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao đối với cả người cho thuê và người thuê ruộng. Có thể nói, mạnh dạn trong thực hiện tích tụ ruộng đất, đầu tư kinh phí, công sức và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, những người nông dân ở vùng đất cổ Hưng Hà đã bắt đất “trả vàng”, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng tăng cao.

Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An (Hưng Hà)

 Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và triển khai sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Toàn xã đã tích tụ được 140ha đất bãi với 37 hộ tham gia trồng cây ăn quả, cho thu lãi bình quân 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, xã Hồng An tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất tại địa phương, bước đầu đã có thêm 100 hộ dân ủng hộ với diện tích khoảng 6ha. Kết quả từ việc tích tụ ruộng đất sản xuất đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,13%.



Ông Nguyễn Văn Thủy, xã Hòa Tiến (Hưng Hà)

Thực hiện tích tụ ruộng đất trong sản xuất, nông dân chúng tôi không chỉ có thu nhập cao mà còn có thêm kinh nghiệm trong sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2016vườn cam hơn 4ha của gia đình cho thu lãi 700 triệu đồng, năm 2017 thu lãi 800 triệu đồng. Dự tính năm 2018 vườn cam sẽ cho thu nhập cao hơn bởi cam sai quả và giá ổn định. Ngoài cho thu hoạch cao, vườn cam còn tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Bà Khương Thị Nụ, thôn Đoài, xã Điệp Nông (Hưng Hà)

Ban đầu người dân chúng tôi cũng có tâm lý lo ngại sẽ mất đất sản xuất, không có việc làm, lợi ích bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi thuê đất, các chủ sản xuất thường thuê đất và thuê luôn nhân công lao động tại địa phương. Do vậy, ngoài thời gian làm ruộng của gia đình, chúng tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi làm thuê tại các mô hình tích tụ mà không bị gò bó về thời gian. Nông dân chúng tôi vừa có tiền từ cho thuê đất lại có thêm nhu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đây là điều mà trước đây người nông dân chưa bao giờ nghĩ đến.

(còn nữa)
Mai Thư