Thứ 7, 23/11/2024, 07:33[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang

Chủ nhật, 16/12/2018 | 08:29:37
1,171 lượt xem
Ngày 15-12, tại TP Long Xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”. Cùng dự, có các đồng chí: Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, địa phương; các chuyên gia, tổ chức quốc tế; hơn 500 nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, các doanh nghiệp nhận Quyết định chủ trương đầu tư, văn bản ghi nhớ cam kết đầu tư vào tỉnh An Giang. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội nghị này là chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng năm 2019 và thời gian tiếp theo, An Giang sẽ tiếp tục có những bứt phá quan trọng, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương thành công sau Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu. Là tỉnh đông dân nhất vùng, nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, mỗi thành công của An Giang có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Nghị quyết 120 cũng như sức bật của toàn Tây Nam Bộ.

Thủ tướng đã khái quát một số quan điểm chiến lược vì sự phát triển của An Giang. Trước hết, tỉnh không những là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông thủy sản chiến lược, không những chỉ là chỉ dẫn địa lý cho các thương hiệu lúa gạo, cá da trơn toàn cầu… mà tỉnh cần tích cực thu hút những DN tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt Nam, gắn với các yếu tố đặc thù, độc đáo của địa phương. Cho rằng, liên kết vùng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, Thủ tướng nêu rõ lợi thế về nông sản, thủy sản, du lịch miền sông nước là lợi thế của cả ĐBSCL, của các DN và các thị trường mang tính bền vững, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Do vậy, sẽ rất khó để mỗi địa phương cũng như cả ĐBSCL phát triển với cách “mạnh ai nấy làm”.

An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh Mê Công, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của ĐBSCL. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. An Giang ngày nay là cửa ngõ quan trọng của ĐBSCL, hướng về thị trường Cam-pu-chia, toàn bộ thị trường ASEAN và hàng chục nước ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn có nhiều nhà đầu tư, DN đến An Giang đầu tư, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, trong đó có phần lợi nhuận của DN, công ăn việc làm, thu nhập của người dân và tạo nguồn thu ngân sách cho chính quyền. Đây không phải là câu chuyện của Nhà nước và DN mà đây thật sự là sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Thủ tướng đề nghị các DN nói đi đôi với làm, quyết tâm làm ăn bền vững, thực hiện tốt tam giác phát triển “kinh tế, xã hội và môi trường”; khẳng định, Chính phủ sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư.

* Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh An Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 26 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 27.600 tỷ đồng; ký cam kết đầu tư năm dự án với tổng vốn đầu tư hơn 35.500 tỷ đồng và bốn biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư 69.500 tỷ đồng. Quỹ An sinh xã hội tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 34 tỷ đồng từ các DN, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao quyết định công nhận khu du lịch Núi Sam là “Khu Du lịch quốc gia”.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Thị Lẫm, 80 tuổi, là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng, chị và em là liệt sĩ, trú tại phường Mỹ Long, TP Long Xuyên.

Theo: nhandan.com.vn