Chủ nhật, 24/11/2024, 11:00[GMT+7]

Cùng giống, cùng trà, nhiều nhà một thửa

Thứ 3, 18/12/2018 | 14:38:00
976 lượt xem
Đó là thực tế sản xuất tại thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương) từ năm 2015 đến nay khi mô hình thí điểm phá bỏ bờ thửa nhỏ, biến ruộng nhỏ thành ruộng lớn thành công.

Cánh đồng sản xuất lúa giống liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed của xã Bình Định (Kiến Xương).

Cánh đồng của thôn Trần Phú sau khi dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ còn gần 2 mảnh do có một phần diện tích xen kẹt trong khu dân cư. Hướng tới sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn, từ năm 2015, 160/180ha đất canh tác nông nghiệp của thôn được phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành mảnh ruộng lớn với nhiều gia đình chung một mảnh. Ông Hoàng Văn Thung, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa được đẩy mạnh ở tất cả các khâu sản xuất với các máy móc công suất lớn. Từ thực tế, để thuận lợi cho máy gặt, máy làm đất công suất lớn hoạt động cần những mảnh ruộng lớn, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được lợi ích của việc sản xuất tập trung. Thấy được hiệu quả nên bà con hưởng ứng rất tích cực. Đến nay, ngoài diện tích ruộng xen kẹt trong khu dân cư, còn lại toàn bộ diện tích đều được bà con tự nguyện phá bỏ bờ thửa.

Hộ ông Bùi Văn Luyên là một trong những hộ tiên phong phá bỏ bờ thửa. Ông Luyên cho biết: Gia đình tôi đầu tư máy làm đất phục vụ bà con từ nhiều vụ. Còn những mảnh ruộng nhỏ, máy móc khó làm mà hiệu suất, hiệu quả hoạt động không cao do phải di chuyển nhiều. Vì vậy, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, tôi cùng anh em trong gia đình có ruộng liền kề nhau đã bảo nhau phá bỏ bờ ngăn, lấy mốc cắm hai đầu bờ để định vị ranh giới ruộng. Thực tế cho thấy, phá bỏ bờ thửa nhỏ thành thửa lớn đã mang lại rất nhiều lợi ích: tăng diện tích; tăng năng suất vì áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất với phương châm 4 cùng: cùng làm đất, cùng xuống giống, cùng chăm bón, cùng thu hoạch, giảm công lao động vì không còn phải be bờ như trước. Mặt khác, cơ giới vào phục vụ sản xuất rất thuận lợi nên chi phí giảm; bờ thửa cũng là nơi chuột, sâu bệnh hại trú ngụ, lưu trú qua các vụ, phá bỏ bờ thửa hạn chế đáng kể các loại sâu bệnh và chuột phá hoại từ đó giảm chi phí đầu vào.

Ông Thung cho biết thêm: Khi bắt tay thực hiện phá bỏ bờ thửa, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi rà soát lại mốc cắm định vị diện tích, phân chia ranh giới và quản lý chặt hồ sơ chủ thể các thửa ruộng để theo dõi, tránh tranh chấp về sau. Việc phá bỏ bờ thửa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, hình thành phương thức sản xuất tập trung, thống nhất về giống, đồng nhất về quy trình và sản phẩm, hướng đến sản xuất theo hướng hàng hóa. Đây cũng là điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, hình thành các mô hình kinh tế tập thể.

Từ thành công của thôn Trần Phú, các thôn khác trong xã Bình Định cũng như những xã lân cận đã học tập, nhân rộng.

Ngân Huyền