Thứ 6, 22/11/2024, 21:31[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nỗ lực tìm động lực tăng trưởng, đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 4, 19/12/2018 | 07:39:43
997 lượt xem
Sáng 18-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Diễn ra sau phiên họp đầu tiên của Tiểu ban cách đây hơn một tháng, cuộc họp này bàn về việc hoàn thiện chế độ công tác, giao nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 2 của Tiểu ban.

Ảnh: QUANG HIẾU

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất dự thảo chương trình kế hoạch và lộ trình thực hiện, chia theo từng tháng, từ tháng 1-2019 đến tháng 3-2021. Trong đó, có hai mốc quan trọng là trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5-2019 để Hội nghị thảo luận, cho ý kiến, từ đó hoàn thiện đề cương chi tiết, bao gồm những nội dung, vấn đề cốt lõi. Mốc thứ hai là trình Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10-2019 để thông qua dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng XIII, gửi Đảng bộ các cấp cho ý kiến. Về cách làm, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu ngay một số vấn đề trọng tâm để xây dựng Chiến lược 10 năm và Kế hoạch năm năm phát triển kinh tế xã hội. Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung đầu tư nhiều hơn, huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, làm nòng cốt cùng với Tổ Biên tập và Văn phòng Chính phủ để chuẩn bị báo cáo. Mỗi vấn đề giao cho một hoặc một số cơ quan nghiên cứu, hoặc chuyên gia, nhà khoa học, có sản phẩm và thời hạn cụ thể. Từ đó, những đặt hàng này sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá.

Định hướng các nội dung trọng tâm để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu, Thủ tướng gợi ý vấn đề phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. Chúng ta phải phát triển cao mặc dù rất khó khăn trong điều hành nhưng không cao, không nhanh thì sẽ trì trệ vì quy mô nền kinh tế của ta còn thấp. Không thể nói chỉ cần chất lượng mà không cần số lượng. Phát huy nguồn lực đất nước mạnh mẽ để phát triển và giải quyết đời sống của người dân. Thủ tướng đặt vấn đề xem xét đột phá mới và lấy thí dụ về việc khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, của kỷ nguyên số, của thời đại mới đặt ra khi mà không có khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ tụt hậu. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu vấn đề thể chế, tháo bỏ các thể chế lạc hậu, cũ kỹ, ràng buộc bởi nếu không làm sẽ ảnh hưởng sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng gợi mở vấn đề tìm động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, trong đó có việc phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… Theo đó, cần phân tích sâu sắc hơn những đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện hay để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn. Thủ tướng nêu ví dụ, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn lớn (tới 42% lao động làm việc trong khu vực này). Đây là bài toán dẫn tới năng suất lao động thấp. Cho nên, cùng kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và vấn đề lao động nông nghiệp hiện hành, chúng ta phải giải được bài toán năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động ở Việt Nam là rất lớn. Vấn đề con người là quan trọng nhất.

Nhấn mạnh thị trường vốn, thị trường đất đai còn bất cập, nguồn lực chưa được phân bổ hợp lý hay vấn đề doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động chưa hiệu quả…, Thủ tướng cũng đặt vấn đề về coi trọng nhu cầu nội địa để phát huy tiềm năng của thị trường 100 triệu dân bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng; kết hợp khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cũng là những vấn đề cần đặt ra trong quá trình xây dựng các văn kiện.

Đối với tư duy, quan điểm phát triển, Thủ tướng gợi ý, cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển toàn diện và tập trung mũi nhọn, trong đó làm rõ hơn mũi nhọn. Hay mối quan hệ quan trọng nữa là bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Thủ tướng cũng lưu ý quy chế hoạt động của Tiểu ban, của Tổ Biên tập cần thể hiện rõ quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ, trách nhiệm, cầu thị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, biên tập, hoàn chỉnh các dự thảo Chiến lược, Kế hoạch...

Theo: nhandan.com.vn