Thứ 5, 04/07/2024, 12:25[GMT+7]

Chợ thị trấn Đông Hưng - Mô hình chợ an toàn thực phẩm

Thứ 6, 21/12/2018 | 16:22:52
3,841 lượt xem
Chợ thị trấn Đông Hưng có tổng diện tích 6.635m2 được bố trí xây dựng 69 kiot, 4 dãy lán đáp ứng cho gần 200 hộ kinh doanh và các công trình phụ trợ khác: hệ thống thoát nước ngầm, điện sáng, bể nước phục vụ hoạt động chợ và phòng cháy chữa cháy, công trình vệ sinh công cộng, nhà điều hành ban quản lý chợ…

Thực hiện kinh doanh thực phẩm an toàn, các hộ tiểu thương có thêm nhiều khách hàng, nâng cao thu nhập.

Đây là chợ được Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2017. Ông Trần Bá Tuần, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 19 tỷ đồng để thiết kế và xây dựng chợ bảo đảm các tiêu chuẩn của một chợ kinh doanh thực phẩm. Sàn khu vực buôn bán thực phẩm thoát nước tốt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; mái che, tường, cột làm bằng vật liệu bền, không bị dột, thấm nước và có khả năng chịu lửa tốt bảo đảm cho các hộ kinh doanh thuận lợi, an toàn.

Để thu hút tiểu thương đăng ký kinh doanh và người dân họp chợ, Doanh nghiệp miễn phí tiền thuê kiot và quầy hàng 1 năm, tổ chức trông coi và không thu tiền vé xe, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân vào chợ mới, thực hiện tốt công tác an ninh trật tự trong chợ.

Ông Bùi Duy Đặng, Trưởng Ban quản lý chợ thị trấn Đông Hưng cho biết, ngoài nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động chợ, Ban quản lý còn tổ chức quét dọn vệ sinh chợ sau mỗi phiên họp, tuyên truyền các hộ buôn bán không kinh doanh ngoài chợ ảnh hưởng mỹ quan, gây mất an toàn giao thông và khói bụi làm ô nhiễm sản phẩm thực phẩm.

Đặc biệt, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên trao đổi, khuyến cáo các tiểu thương kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện quy trình giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không để tác động mất vệ sinh ATTP tại chợ.

Tại chợ thị trấn Đông Hưng, trong số gần 200 hộ kinh doanh thuê kiot và quầy bán hàng cố định thường xuyên tại chợ, có tới 60% số hộ chuyên buôn bán thực phẩm: rau, củ, quả, gia cầm, thủy cầm và thịt gia súc, thịt gia cầm và thủy – hải sản.

Cũng như nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ thị trấn Đông Hưng, ông Nguyễn Xuân Liệu, tổ 7, thị trấn Đông Hưng, tiểu thương chuyên kinh doanh thỏ, gà và sản phẩm chế biến từ thỏ, gà tại chợ thị trấn Đông Hưng chia sẻ: Khi được cơ quan chức năng tập huấn kiến thức về ATTP, tôi hiểu rõ hơn những nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh ATTP từ khâu nhập đầu vào, chế biến, bảo quản và bày bán. Việc chấp hành quy định về ATTP giúp cho tiểu thương chúng tôi kinh doanh thuận lợi vì người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng vào sản phẩm của mình, khách mua cũng đông hơn. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình tôi tiêu thụ được từ 50 - 60kg thỏ thịt, 10 - 15kg thịt gà, tăng gần 2 lần so với trước.

Việc xây dựng thí điểm mô hình chợ ATTP còn góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực ATTP. Khi được công nhận đạt các tiêu chí về chợ ATTP, uy tín và thương hiệu, tốc độ lưu chuyển hàng hóa tại chợ tăng lên, kích thích thương mại phát triển và hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày