Chủ nhật, 19/05/2024, 16:53[GMT+7]

Một bệnh nhân ngừng tim đã được cứu sống

Thứ 2, 24/12/2018 | 15:46:12
2,894 lượt xem
Bệnh nhân nguy kịch đã nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình song người nhà vẫn quyết tâm xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội. Tuy nhiên, bệnh nhân bị lên cơn nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tim, ngừng thở ngay tại phòng cấp cứu của Khoa Nội tim mạch may mắn khi chưa di chuyển ra xe cấp cứu và đã được các bác sĩ nỗ lực cứu sống.

Tối ngày 23/12, bệnh nhân Nguyễn Tri Phương, 54 tuổi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội và khó thở. Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch xác định tình trạng bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định bệnh nhân cần được làm cấp cứu can thiệp tim mạch và xác định động mạch bị tắc và can thiệp thông mạch gấp. Tuy nhiên, gia đình quyết tâm xin chuyển tuyến cho bệnh nhân lên điều trị ở bệnh viện tuyến trung ương và gọi xe cấp cứu. Song khi xe cấp cứu đã đến cửa, người nhà đang chuẩn bị đưa bệnh nhân ra xe thì bệnh nhân lên cơn rung thất và ngừng tim hoàn toàn ngay tại phòng cấp cứu Khoa Nội tim mạch. Lập tức, nhân lực có mặt tại Khoa được huy động cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ được các bác sĩ kiên trì thay phiên nhau ép tim cấp cứu, song bệnh nhân vẫn không tỉnh lại. Các bác sĩ vẫn không bỏ cuộc, liên tục chỉ huy kiên trì cấp cứu bệnh nhân, đồng thời cùng người nhà thống nhất phương án vừa cấp cứu vừa thực hiện can thiệp tim mạch, mặc dù tia hy vọng cứu sống bệnh nhân rất nhỏ nhoi.

Bác sĩ Bùi Công Hải cho biết: Khác với những ca cấp cứu bệnh nhân ngừng tim trước đây là khi đã cứu được bệnh nhân thở trở lại thì lập tức đưa bệnh nhân lên phòng can thiệp tim mạch, can thiệp kịp thời để có thể duy trì sự sống, tránh cơn nhồi máu cơ tim tiếp theo. Song với bệnh nhân Nguyễn Tri Phương là ca bệnh rất nặng, dù đã được cấp cứu tích cực suốt thời gian 2 giờ mà bệnh nhân vẫn chưa tỉnh lại. Với những trường hợp khác thì người nhà đã xin cho bệnh nhân về nhà. Người nhà bệnh nhân Phương tha thiết quyết tâm cùng bác sĩ "còn nước còn tát” để cứu sống bằng được bệnh nhân. Mặc dù hiểu rõ tỷ lệ thành công rất mong manh, hy hữu, song các bác sĩ vẫn quyết định chuyển bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở lên phòng can thiệp, vừa tiến hành cấp cứu tuần hoàn tích cực, vừa làm can thiệp tim mạch dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực. Sau gần 2 giờ căng thẳng chạy đua với thời gian, ca can thiệp đã thành công vào đúng lúc nửa đêm. Bệnh nhân ngay sau khi được thông tuần hoàn đã tỉnh lại trong niềm vui vỡ òa của các bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa về Khoa Hồi sức tích cực để được các bác sĩ tiếp tục hành trình đưa về với gia đình. 

Đến sáng ngày 24/12, bác sĩ Đỗ Minh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân Phương đã qua cơn hiểm nghèo, đang dần hồi phục tốt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Trưởng khoa Nội tim mạch cho biết: Thời gian qua, Khoa đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân đã chết lâm sàng, ngừng tim, ngừng thở. Song trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tri Phương là bệnh nhân nặng nhất từ trước tới nay và cũng là bệnh nhân may mắn nhất. Bởi mặc dù xe cấp cứu đã đến cửa Khoa, song đúng lúc đó bệnh nhân lại lên cơn nhồi máu cơ tim ngay trong phòng cấp cứu, nơi có thiết bị máy móc hiện đại và lực lượng đông đảo các y bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết. Nếu bệnh nhân Phương được chuyển ra xe cấp cứu đi Hà Nội chỉ sớm hơn vài phút, khi đó bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim khi đã ra khỏi viện thì cơ hội cứu sống bệnh nhân không còn.

Bác sĩ Trung cũng cho biết: Thông điệp của ngành tim mạch là "thời gian là cơ tim, cơ tim là sự sống”. Điều này để khẳng định tính chất chạy đua với thời gian trong cấp cứu bệnh nhân tim mạch. Chúng tôi rất muốn truyền tải thông điệp vô cùng quan trọng đó đến với mỗi người. Bởi trong thực tế, nhiều bệnh nhân có biểu hiện báo cơn đột quỵ sắp xảy ra xong bản thân người bệnh, người nhà và những người xung quanh không biết để đưa người bệnh đi viện cấp cứu kịp thời, dẫn đến tử vong. Có trường hợp người bệnh đã được đưa đến viện trong thời gian vàng, dù được các bác sĩ giải thích và cảnh báo nguy cơ tử vong trong quá trình vận chuyển lên tuyến trên. Hoặc đã giải thích có lên kịp tuyến trên nhưng đã quá giai đoạn cấp cứu giờ vàng, dẫn đến bệnh nhân dù có được cứu sống song để lại hậu quả nặng nề, bị suy tim, bại não, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Song đáng tiếc là nhiều gia đình bất chấp cảnh báo của bác sĩ, vẫn xin đi bằng được, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp tim mạch và đặt máy tạo nhịp tim, vì vậy thời gian qua đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, mang sự hồi sinh, niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình.

HÀ DUNG