Thứ 2, 23/12/2024, 23:05[GMT+7]

Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Thứ 5, 20/12/2018 | 17:12:45
1,280 lượt xem
Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2016 tỉnh đã ban hành, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Cây bí đao ở xã Thụy Sơn (Thái Thụy) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đề án đã nêu 13 nhóm giải pháp và hướng đột phá cần tập trung thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3382/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/12/2017 về việc phê duyệt 5 hướng đột phá nhằm thực hiện Đề án: Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao tại các vùng sinh thái; xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; hình thành Khu Công nghiệp phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực quản trị và lao động tay nghề cao cho nông nghiệp, nông thôn; hình thành chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

Các nhóm giải pháp và hướng đột phá đã được triển khai, thực hiện quyết liệt trong thời gian qua và đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2018 đạt 3,08% (cao hơn Đề án đề ra về tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2016-2020 là 2,5%). Đến năm 2018, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản là 14.440,4ha. Thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án có quy mô diện tích lớn, tổng mức đầu tư cao mà điển hình là dự án đầu tư Khu Công nghiệp phục vụ nông nghiệp của liên doanh Tập đoàn Trường Hải và Lộc Trời, dự án trồng rau xuất khẩu của tập đoàn TH, dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco. Chuyển đổi 3.418 ha từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm khác có giá trị cao hơn, chủ yếu là ngô ngọt, ngô giống, rau, dưa xuất khẩu… Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi đều cao hơn so với trồng lúa từ 2-3 lần. 

Toàn tỉnh hiện có 128 xã triển khai được 185 cánh đồng lớn với tổng diện tích 15.312 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 14.616 ha, chiếm 95,4%. Diện tích có hơp đồng bao tiêu sản phẩm trên 9.000 ha. Có 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất và tiêu thụ nông sản. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành như áp dụng thành công công nghệ hân giống khoai tây sạch bệnh từ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trồng rau thủy canh… Bên cạnh đó, một số chuỗi sản xuất và liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cũng đã được hình thành, hoạt động hiệu quả. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt với 200 xã (đạt 75,8% tổng số xã) và 1 huyện đạt chuẩn. Toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2019 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hết năm 2020 100% huyện đạt chuẩn và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình nước sạch nông thôn của Thái Bình dẫn đầu toàn quốc với 100% số hộ được dùng nước sạch.

Để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, cho phép thực hiện thí điểm tích tụ ruộng đất của Thái Bình. Tiếp tục thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất. Duy trì, thực hiện và nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung, tích cực hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thái Bình. Xây dựng các hiệp hội ngành Nông nghiệp giữa các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Công Thương nhằm thông tin, phát triển thị trường sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ 2 dự án lớn, tiêu biểu là Tập đoàn Thaco và Tập đoàn TH đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện quy hoạch thủy lợi phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; tăng thêm nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là kinh phí nhà nước hỗ trợ cho diện tích đất trồng lúa cần được đầu tư thực hiện theo quy định.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

  • Từ khóa