Thứ 5, 04/07/2024, 15:29[GMT+7]

Công tác Dân số - KHHGĐ: 10 năm nhiều thành tựu

Thứ 3, 25/12/2018 | 08:40:23
1,944 lượt xem
Nhìn lại 10 năm thành lập và phát triển Chi cục Dân số - KHHGĐ, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tự hào bởi đã luôn đoàn kết, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dân số và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân số - KHHGĐ.

Ngày 27/6/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1714/QĐ-UBND về việc thành lập Chi cục Dân số - KHHGĐ (tiền thân là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) trực thuộc Sở Y tế. Từ đây, công tác dân số - KHHGĐ chuyển sang một chặng đường mới, vừa tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh vừa từng bước chuyển hướng sang mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, gắn liền với công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngày đầu thành lập, bên cạnh thuận lợi khi dân số là ngành xã hội nhưng lại gắn liền với chuyên môn y tế; sự gắn kết giữa dân số, y tế thuận lợi hơn trong cả công tác tham mưu, phối hợp với các địa phương, các ngành, đoàn thể và trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, thuận lợi và thuyết phục hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ. Song đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trước đây không khỏi có những dao động, băn khoăn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số ở xã, phường, thị trấn. Không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cho rằng công tác dân số không còn quan trọng như giai đoạn trước đây nữa. Nguy cơ tăng tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba và tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng cao... Trước những khó khăn, thách thức, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã nhanh chóng củng cố tổ chức, bộ máy từ tỉnh đến cơ sở; chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền với công tác dân số - KHHGĐ.

Trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản An Đức tổ chức sàng lọc bệnh tật cho nhiều trẻ em.

Với mục tiêu dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc, đội ngũ những người làm công tác dân số tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, sâu sát tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ. Các phong trào thi đua thực hiện chính sách dân số tiếp tục được phát động sâu rộng như: phong trào thôn, tổ dân phố, khu dân cư, xứ, họ đạo không có người sinh con thứ ba trở lên; làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ... Chính nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế ở khắp các thôn làng đã làm thay đổi nhận thức của người dân, công tác dân số - KHHGĐ giai đoạn này đạt nhiều kết quả rõ rệt. Nếu như năm 2008, tỷ suất sinh thô là 13,73‰ thì năm 2017 là 13,33‰. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,1 con/bà mẹ giảm còn 1,99 con/bà mẹ. Tỷ suất chết trẻ sơ sinh năm 2008 là 10,6‰, năm 2017 là 3,3‰. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2008 là 114 bé trai/100 bé gái, năm 2017 là 111,1 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi năm 2008 là 19,8%, năm 2017 giảm còn 11%. Năm 2018 là năm thứ 18 Thái Bình duy trì mức sinh thay thế. Quy mô gia đình hai con được đa số các cặp vợ chồng chấp nhận. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi, tăng hơn bình quân chung của cả nước...

Mặc dù vậy, công tác dân số cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới như: tốc độ già hóa dân số nhanh; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao và khó kiểm soát; tỷ lệ xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sau sinh còn thấp; tình trạng vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống. Trước thách thức của việc vừa phải giữ vững mức sinh thay thế vừa phải chuyển trọng tâm sang mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, chỉ trong 2 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số quyết định phê duyệt các đề án nâng cao chất lượng dân số như: đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2025; đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2017 - 2020; đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2015 - 2020; đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2011 - 2015; đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển giai đoạn 2009 - 2020. Các đề án được triển khai đã từng bước thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Với nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, 10 năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trong 10 năm, có 13 lượt xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên; từ năm 2015 đến năm 2017 có 161 thôn làng 5 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên được UBND tỉnh khen thưởng. Chi cục Dân số - KHHGĐ vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Ngoài ra còn có hàng chục tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 1 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc; gần 5.000 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dân số - KHHGĐ qua các thời kỳ được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số Việt Nam.

Hà Dung