Chủ nhật, 19/05/2024, 16:04[GMT+7]

Một số quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo

Thứ 4, 26/12/2018 | 15:29:13
939 lượt xem
Chiều ngày 26/12, Sở Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cho cán bộ phòng kinh tế - hạ tầng, phòng nông nghiệp các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND, HTX SXKD DVNN của một số địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh.

Công ty ThaiBinh Seed tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2018, thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Một số điểm mới trong nội dung quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP gồm: Không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay, xát, chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc; không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận. Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh; thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm... Ngoài ra Nghị định này cũng quy định điều kiện và kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; những quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp; quy định về mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; về liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu; trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và một số quy định khác.

Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ có tính chất pháp lý giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các rào cản cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, góp phần phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Hà Thanh