Thứ 7, 02/11/2024, 20:19[GMT+7]

Bách Thuận: Nhộn nhịp vào xuân

Thứ 5, 27/12/2018 | 08:43:09
2,817 lượt xem
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán, sắc xuân đã bắt đầu hiện hữu, báo hiệu vụ hoa tết vào mùa. Đây cũng là thời điểm người trồng hoa ở xã Bách Thuận (Vũ Thư) tất bật hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Văn Bền (thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận) chăm sóc hoa thược dược.

Về Bách Thuận những ngày cuối năm, chúng tôi thấy choáng ngợp vì một không gian tràn ngập sắc hoa. Hoa rực rỡ từ các khu vườn, lung linh trên những dải đất bãi ven sông Hồng tạo thành một bức tranh thôn quê đa màu sắc. 

Không ai biết chính xác tự bao giờ hoa, cây cảnh đã được người dân nơi đây thâm canh thay thế cây lúa. Những lão nông tri điền nói rằng, hoa đã được manh nha trồng trên đất này khoảng gần 70 năm nay. Tuy nhiên, việc trồng hoa chỉ thực sự phát triển mạnh và trở thành nghề chính 20 năm trở lại đây. Khi hoa “lên ngôi”, thị trường tiêu thụ hoa rộng khắp, người dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa cúc, thược dược... Thấy hoa phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, người dân càng có thêm niềm tin. Cứ thế, làng hoa vùng đất bãi sông Hồng hình thành và phát triển. Hiện tại, 40ha đất của xã trồng hoa, biến nơi đây trở thành vùng đất “trăm hoa đua nở”.

Ở làng hoa Bách Thuận, không khí xuân dường như đến sớm hơn những nơi khác. Từ đầu tháng 8 âm lịch, người trồng hoa nơi đây đã lao động miệt mài hơn ngày thường bởi với họ đây là mùa làm ăn chính trong năm. Người tỉ mẩn tỉa nụ, người cẩn trọng bấm cành, vào phân, tranh thủ sớm tối với hy vọng về một cái tết đủ đầy. Thời điểm cuối năm, nhà vườn nào cũng chú ý đến chế độ chăm sóc đặc biệt để hoa có thể nở đúng dịp tết, to và đều. 

Là một trong những hộ trồng hoa lâu năm của xã, tuổi nghề tương đương 2/3 tuổi đời, ông Nguyễn Văn Bền, thôn Liên Hồng chia sẻ: Gia đình tôi trồng hoa đã gần 40 năm nay. Hoa được trồng quanh năm, chia theo nhiều vụ. Riêng vụ hoa tết thì thời gian trồng đến khi thu hoạch và bán kéo dài gần 6 tháng. Để hoa sinh trưởng cao hơn vụ hoa khác, gia đình tôi đặc biệt chú ý đến các biện pháp kỹ thuật và bón các loại phân phù hợp, chủ yếu là phân chuồng hoai mục. Vụ hoa tết năm nay gia đình tôi trồng 2 sào, chủ yếu là hoa thược dược bán bông và hoa cúc giống. Năm ngoái, chỉ tính riêng 2 ngày tết gia đình tôi đã thu được 30 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, cả vụ hoa tết ước tính lãi hơn 100 triệu đồng.

Nếu chỉ nhìn những bông hoa tươi thắm đủ loại sắc màu, ít ai nghĩ rằng để có được thành quả đó cần rất nhiều công sức chăm bón của người dân làng vườn. 

Đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Liên Hồng thì vườn hoa của gia đình bà lại càng có giá trị to lớn bởi việc chăm sóc hoa rất kỳ công do vừa trải qua đợt mưa lớn kéo dài. 

Bà Thắm chia sẻ: Năm nay gia đình tôi mở rộng diện tích trồng hoa cả ở đất vườn và vùng đất bãi ven đê bối với tổng diện tích lên tới gần 1 mẫu, chủ yếu là cây hoa cúc giống. Chỉ tính riêng tiền lãi từ cây giống, chưa kể hoa bán bông, gia đình tôi đã thu được hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, gia đình tôi sẽ tiếp tục phát triển vườn hoa trong nhiều năm tới. Dự kiến năm nay nếu thời tiết thuận lợi gia đình tôi có thể thu được hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

Bách Thuận là xã có diện tích chuyên canh trồng hoa lớn của huyện Vũ Thư với 40ha và trên 300 hộ trồng hoa. Vào dịp tết, các loài hoa được nhiều chủ vườn lựa chọn là cúc, thược dược, hoa hồng và cây cảnh mi ni. Với kinh nghiệm trồng hoa hàng chục năm nay, người dân ở đây cho biết việc trồng hoa khó nhất là căn thời tiết để chăm sóc cho hoa nở đúng thời gian dự kiến. Hoa nở chậm thì có thể phun thuốc kích thích nhưng nếu hoa nở sớm thì rất khó để hãm lại. Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các chủ vườn áp dụng các biện pháp điều khiển thời điểm hoa ra bông cho giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, từ đầu vụ đến nay, trời ấm nhiều nên ảnh hưởng đến việc căn thời điểm hoa nở. Để khắc phục tình trạng trên, những hộ trồng hoa phải dựng giàn che để giữ nhiệt và đầu tư hàng triệu đồng lắp các dàn bóng điện, điều chỉnh sự phát triển của hoa. Nếu thời tiết có mưa lớn thì dùng nilon che đậy cho cây, tránh để hoa và lá cây bị dập nát. 

Cũng theo người dân làng vườn, tháng 7 và tháng 8 âm lịch là thời điểm khó khăn nhất để hoa cho ra bông đẹp nên cần chú ý biện pháp kỹ thuật chăm sóc hoa. Với tư duy cùng làm, cùng thụ hưởng nên ở Bách Thuận đã hình thành một nhóm các gia đình liên kết với nhau, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, từ đó giúp năng suất hoa cao hơn, tránh được những rủi ro không đáng có. Nếu ngày thường, mỗi cành hoa có giá trung bình từ 500 - 1.000 đồng thì ngày tết có thể tăng gấp 3 - 5 lần, thu nhập cao hơn rất nhiều so với việc thâm canh cây hòe trước đây. Trung bình một sào trồng hoa đem lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Hoa Bách Thuận chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và tỉnh Nam Định để người dân chơi tết và làm hoa cúng, hoa vòng.

Theo dự báo, giá hoa năm nay tương đối ổn định, một số loại hoa giá sẽ tăng so với những năm trước. Điều này giúp người trồng hoa ở Bách Thuận có thêm động lực, sẵn sàng cung ứng ra thị trường những sản phẩm đa dạng nhất, đẹp nhất trong dịp tết Nguyên đán. 

Ông Phạm Văn Mai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trồng hoa vốn là nghề truyền thống của địa phương có từ bao đời, đem lại thu nhập cao, giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thời gian tới, địa phương có định hướng xóa bỏ các cây trồng mang tính vườn tạp, thu nhập thấp để chuyển dần sang trồng hoa, đặc biệt là các loại hoa cho giá trị kinh tế cao như lan, cúc, thược dược.

Về Bách Thuận vào những ngày cuối năm, mọi người cảm nhận rõ không khí tết khi những chiếc xe máy, xe tải nối đuôi nhau chở hoa đi muôn nơi phục vụ khách hàng. Hương hoa ấp ủ trong từng nếp áo, nếp khăn, thơm mỗi căn nhà, thơm mỗi lối đi. Hoa theo người ra phố, tỏa hương xuân ấm áp cho muôn nhà. 

Nghề trồng hoa ở Bách Thuận sẽ được người dân nơi đây duy trì và phát triển bởi đó không chỉ là nhu cầu phát triển kinh tế mà còn giúp đem lại một cái tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm, cao hơn nữa là gìn giữ nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa riêng của Bách Thuận, xứng đáng với tên gọi “làng vườn - làng du lịch sinh thái”.


Thu Trang