Thứ 3, 07/01/2025, 07:19[GMT+7]

Phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học

Thứ 6, 28/12/2018 | 14:40:44
5,798 lượt xem
Phế thải, rác thải được tái chế; nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian được đưa vào trường học; sử dụng năng lượng mặt trời trong các hoạt động sản xuất... chỉ là số ít trong rất nhiều ý tưởng các em học sinh mang đến cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học năm 2018. Cuộc thi đã góp phần vun đắp ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai của các em.

Dự án “Sử dụng rác thải làm tranh” của hai học sinh Trường THCS Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để cuộc thi có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học với học sinh trung học. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch tổ chức và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức cuộc thi. Các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trực thuộc Sở đã tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT để lựa chọn các dự án xuất sắc tham dự cuộc thi cấp tỉnh. Theo đó, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và nội dung cho các dự án dự thi của đơn vị mình cả về chất lượng và số lượng. Cuộc thi năm nay có 66 dự án tham gia với 13 lĩnh vực, trong đó có 46 dự án của học sinh THCS và 20 dự án của 36 học sinh THPT. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: vật lý - công nghệ, hóa học, y học - sinh học, tin học, khoa học xã hội hành vi, cơ khí... Các dự án dự thi được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt với nhiều ý tưởng sáng tạo, dễ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Đến thăm các gian trưng bày, chúng tôi khá ấn tượng với dự án “Sử dụng rác thải làm tranh” của hai em Trần Mai Anh và Vũ Việt Đức, Trường THCS Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ). Mới đầu nhìn qua nhiều người sẽ nghĩ đó là những bức tranh do những họa sĩ lớn tuổi thực hiện; thế nhưng, với sự khéo léo và trí sáng tạo của mình, hai em đã cho ra đời những bức tranh đa màu sắc, phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống. 

Em Vũ Việt Đức chia sẻ: Hiện nay, lượng rác thải còn tồn đọng khá nhiều, gây ô nhiễm môi trường. Với ý tưởng thu gom rác thải trong tự nhiên, sinh hoạt, nông nghiệp, xây dựng... để tái sử dụng, tạo nên những bức tranh chân thực, sống động, em và bạn Mai Anh đã lên ý tưởng và trình bày ý tưởng của mình với cô giáo hướng dẫn. Được cô giáo ủng hộ, chúng em đã từng bước thực hiện dự án và đạt được kết quả như chúng em mong đợi. Làm tranh chất liệu đòi hỏi người thực hiện phải có tư duy, sáng tạo, công phu, kiên trì, tỉ mỉ. Việc đầu tiên khi thực hiện một bức tranh là phác họa ý tưởng bằng bút. Trên bản phác thảo, chúng em sẽ phết keo dán vào giấy nền, sau đó chọn chất liệu gắn vào cho đến khi hoàn thiện bức tranh. Do thời gian khá hạn chế nên để có một bức tranh hoàn thiện, chúng em thường mất khoảng 1 tháng nhưng chi phí để thực hiện mỗi bức tranh thì khá thấp. 

Không chỉ thực hiện ước mơ của bản thân, Trần Mai Anh và Vũ Việt Đức còn muốn kiếm thêm tiền từ những bức tranh của mình để ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Suy nghĩ, việc làm của các em mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền đạt thông điệp về tình yêu, sự đoàn kết đến tất cả mọi người.

Bên cạnh các dự án mang tính sáng tạo trên các nguồn nguyên vật liệu có sẵn, nhiều học sinh đã mang đến cuộc thi những ý tưởng để góp phần cải thiện môi trường giáo dục trong các nhà trường. 

Một trong số đó là dự án “Khôi phục trò chơi dân gian trong các trường học” của em Nguyễn Hồng Vân và em Lê Minh Quân, học sinh Trường THCS Song Lãng (Vũ Thư). Trong đời sống hiện nay có nhiều trào lưu văn hóa tác động mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi mang tính tiêu cực đến các thế hệ học sinh. Hơn nữa, thế hệ trẻ hiện nay đang dần xa lạ với một nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ bao đời nay của người Việt, đó là trò chơi dân gian. Với suy nghĩ đó, Vân và Quân cho rằng trò chơi dân gian đang rất cần được khôi phục trong các nhà trường. 

Nguyễn Hồng Vân cho biết: Để thực hiên dự án, chúng em đã điều tra qua phỏng vấn, phiếu trắc nghiệm, thống kê kết quả và tiến hành thực nghiệm 7 tháng tại Trường THCS Song Lãng với các trò chơi dân gian như ô ăn quan, luyến, chuyền, đáo gấc, đánh chắt, đấu vật... 

Qua một thời gian ngắn triển khai dự án, học sinh trong trường đã thể hiện sự tự tin, khéo léo, khả năng làm việc nhóm, tính kiên trì, bền bỉ. Đặc biệt, thông qua các trò chơi dân gian đã tạo môi trường giáo dục thân thiện giữa thầy và trò, giúp học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Với việc thể hiện sự tự tin, bản lĩnh của mình khi trình bày, đặc biệt đã mạnh dạn hơn khi thể hiện những ý tưởng khoa học, biết vận dụng kiến thức liên môn trong trường học để giải quyết những vấn đề thực tiễn; biến những lý thuyết khô khan thành những mô hình, sản phẩm thực tế sinh động, khơi gợi những ý tưởng lớn hơn, tốt đẹp hơn cho tương lai... nhiều ý tưởng đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với ban tổ chức cuộc thi. 

Ông Nguyễn Văn Đầm cho biết thêm: Cuộc thi đã tạo nên một phong trào nghiên cứu khoa học cho học sinh trong toàn tỉnh và là tiền đề cho hoạt động sáng tạo của tuổi trẻ. Những sản phẩm nghiên cứu khoa học của các em được áp dụng trong thực tế sẽ mang lại niềm tin cho những người làm công tác giáo dục.

Đặng Anh