Chủ nhật, 24/11/2024, 12:42[GMT+7]

Thu nhập ổn định từ mô hình chuyển đổi

Thứ 5, 10/01/2019 | 09:01:24
782 lượt xem
Từ diện tích đất trũng cấy lúa kém năng suất, gia đình ông Nguyễn Như Diễn ở thôn Đông Hòa, xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) đã chuyển đổi sang mô hình trang trại tổng hợp cho thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông Diễn thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2012, ông Diễn tham gia vùng chuyển đổi của xã với diện tích 3.600m2 để cấy lúa. Nhưng qua nhiều vụ thu hoạch thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao, cuộc sống gia đình vẫn rất khó khăn, ông nghĩ phải chuyển đổi sang hình thức canh tác khác cho thu nhập cao hơn. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư cải tạo đất để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ông dành 1.800m2 để đào ao nuôi cá với các loại như trôi, trắm, mép, mè, vược. Diện tích còn lại ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả, cây dược liệu và các loại rau màu.

Ông Diễn cho biết: Hiện tại, trang trại trồng trên 1.000 gốc đinh lăng, hơn 100 cây hòe cùng nhiều loại cây ăn quả. Mùa nào thức ấy, gia đình trồng thêm các loại rau xanh và rau gia vị để phục vụ nhu cầu thực phẩm của bà con. Chuồng trại thường xuyên nuôi hàng trăm con gà, vịt. Riêng diện tích mặt nước hàng năm cho thu hoạch hai vụ với hơn 1 tấn cá các loại. Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng, cao hơn cấy lúa, từ đó có điều kiện kiến thiết nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành. Thời gian tới, tôi tiếp tục huy động nguồn vốn tự có và vay mượn thêm để cải tạo đất đai, mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm, từng bước tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Quỳnh cho biết: Toàn xã có hơn 8ha diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả được cấp ủy, chính quyền khuyến khích người dân chuyển đổi sang phát triển các mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập cao hơn. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, những người tham gia vùng chuyển đổi đều đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế vào nuôi trồng, điển hình là gia đình ông Diễn. Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi đã nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần đưa xã Hồng Quỳnh về đích nông thôn mới trong năm 2018. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục động viên người dân khai thác tốt thế mạnh đất đai, nguồn lao động dồi dào, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Thanh Huyền