Thứ 6, 10/01/2025, 00:42[GMT+7]

Chiến công mãi khắc ghi

Thứ 6, 11/01/2019 | 09:55:03
4,397 lượt xem
Mùa xuân năm nay đánh dấu 68 năm ra đời của đoàn quân anh hùng mang tên Đại đoàn Đồng Bằng. Ở Thái Bình, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn quân ấy đã cùng với quân và dân trong tỉnh anh dũng chiến đấu, tiêu diệt quân thù. Những địa điểm mang dấu chân lịch sử của Đại đoàn Đồng Bằng đã đổi thay theo thời gian, thay vào đó là những tấm bia chiến thắng được dựng lên, trở thành địa chỉ đỏ, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không được lãng quên những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Khu vực cầu Tây, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) - nơi tháng 1/1953 đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và địch.

Đại đoàn anh hùng
Mùa xuân năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Đại đoàn Đồng Bằng (hay Sư đoàn 320) được thành lập tại đình Móng Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ngày 16/1/1951, Đại đoàn ra quân trận đầu đã lập chiến công, đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Từ đó đến nay, ngày 16/1 đã trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn 320.

Tháng 1/1952, các đơn vị trực thuộc Đại đoàn Đồng Bằng vào hoạt động nội tuyến ở tả ngạn sông Hồng, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, đánh bung ra những khu vực rộng lớn ở đồng bằng. Đại đoàn đã mở cuộc tiến công tiêu diệt lớn quân địch ở Thái Bình, xây dựng và củng cố hàng loạt khu du kích, mở toang nhiều vùng giải phóng, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân tiến công địch ngay trong vùng đồng bằng tả, hữu ngạn sông Hồng.

Là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến khu 3, Liên khu 3, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu 3, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, Quân khu 5, Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3..., Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 nối tiếp nhau giữ vững và phát huy 8 chữ vàng truyền thống: “Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, chiến thắng”, xứng đáng với truyền thống đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ghi dấu hôm nay
Không chỉ lập nhiều chiến công trên địa bàn các địa phương đồng bằng Bắc Bộ trong giai đoạn 1951 - 1954, các đơn vị của Đại đoàn Đồng Bằng đã cùng với quân và dân Thái Bình nói chung, huyện Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ ngày nay) nói riêng chiến đấu và chiến thắng trong nhiều trận đánh. Tiêu biểu: Đêm ngày 19/1/1953, Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 48 (Đại đoàn Đồng Bằng) cùng với địa phương tấn công tiểu khu quân sự Quỳnh Côi. Sau gần 1 giờ chiến đấu, cả đại đội địch phải nộp súng đầu hàng. Ngày 20/1/1953, địch điều 3 binh đoàn cơ động và 3 tiểu đoàn Pháp mở trận càn “Con Cóc” hòng chiếm lại những vị trí đã mất nhưng không cứu vãn được tình hình. Tại đồn Quỳnh Ngọc, đồn Tổng Dũng (ở kề Quỳnh Côi), tất cả lính địch đều run sợ buông súng đầu hàng. Cựu chiến binh Lê Hệ, nguyên cán bộ Đại đoàn Đồng Bằng kể lại: Chiến thắng Quỳnh Côi đã làm rung chuyển hệ thống phòng ngự của địch ở hai huyện Quỳnh Côi - Phụ Dực. Nhiều đồn bốt và các ban tề ở thôn, xã ra đầu hàng và tan rã, giúp ta mở rộng vùng căn cứ du kích liên huyện. Cao trào kháng chiến và chiến tranh du kích ở Quỳnh Côi phát triển, cùng quân và dân trong tỉnh diệt địch, giải phóng quê hương.

Tháng 4/1953, sau chiến thắng vang dội tại Quỳnh Côi, Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 52 (Đại đoàn Đồng Bằng) cùng với Đại đội 217 bộ đội địa phương và dân quân huyện Quỳnh Côi phối hợp tấn công tiêu diệt đồn Bến Hiệp (Quỳnh Giao) đồng thời kết hợp phá tề, trừ gian. Trận đánh nhanh, diệt gọn, cách đánh táo bạo và sáng tạo giúp ta mở rộng căn cứ, mở cống đưa nước sông Luộc vào phục vụ sản xuất, tưới, tiêu cho các huyện phía Bắc tỉnh. Trận này ta đã diệt hơn 100 tên địch, bắt sống 28 tên, thu giữ toàn bộ vũ khí. Sau trận đánh, Tiểu đoàn 351 được cấp trên khen tặng danh hiệu: “Tiểu đoàn Bến Hiệp”.

Chiến tranh đã lùi xa, dấu tích xưa không còn, thay vào đó là sự phát triển không ngừng của quê hương với diện mạo nông thôn mới, đô thị khang trang. Thật ý nghĩa, bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ, các cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 đã cùng nhau góp công, góp của, góp thời gian dựng nên những tấm bia chiến thắng, ghi danh lịch sử tại chính nơi xảy ra những trận chiến đấu ác liệt, nơi thấm bao máu xương của những người lính Cụ Hồ, người dân vô tội để đem lại hòa bình cho quê hương.

Cựu chiến binh Phạm Xuân Tởi, Trưởng ban liên lạc Đại đoàn Đồng Bằng huyện Quỳnh Phụ tâm sự: Bản thân tôi cũng như nhiều anh em đồng đội rất vui mừng khi đã hoàn thành tâm nguyện xây dựng hai bia chiến thắng tại thị trấn Quỳnh Côi và Bến Hiệp. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi xây dựng bia chiến thắng. Đặc biệt, xin cảm ơn cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Tuấn Anh, người đồng hành, hỗ trợ gần 200 triệu đồng để xây dựng hai bia chiến thắng này.

Cựu chiến binh Phạm Văn Độ, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) chia sẻ: Tôi luôn tự hào là chiến sĩ Sư đoàn 320 anh hùng. Dù chỉ là người lính góp sức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng qua thời gian cùng đồng đội tham gia xây dựng bia tôi càng hiểu và trân trọng công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng đã anh dũng chiến đấu trên mảnh đất Thái Bình. Nơi này sẽ mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giúp thế hệ trẻ biết và trân trọng quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước.



Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại đoàn đã tham gia 9 chiến dịch và hơn 400 trận đánh; tiêu diệt và đánh thiệt hại 5 binh đoàn, 3 trung đoàn quân Pháp; loại khỏi vòng chiến đấu trên 35.000 tên địch, tiêu diệt 24 xe tăng, bắn rơi 6 máy bay, bắn chìm 22 ca nô, thu gần 5.000 súng các loại, 24 pháo 105mm, 96 xe cơ giới, hàng trăm tấn đạn dược cùng nhiều khí tài, phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ giải phóng, trong đó có tỉnh Thái Bình.

Cựu chiến binh Lê Hệ, nguyên cán bộ Đại đoàn Đồng Bằng

Bia chiến thắng tại thị trấn Quỳnh Côi và Bến Hiệp là 2 trong 7 bia chiến thắng các trận đánh của Đại đoàn Đồng Bằng đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện nay còn một số nơi trên địa bàn các huyện, thành phố chưa được xây dựng. Với tấm lòng, tâm huyết người lính Đại đoàn Đồng Bằng và để tri ân những người đã ngã xuống, tôi và đồng đội sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà tài trợ xây dựng bia tại các khu vực còn lại. Tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Tuấn Anh

Bản thân tôi là người lính trưởng thành từ Sư đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng. Trở về đời thường, tôi cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng. Bia chiến thắng sẽ là một phần của lịch sử, là niềm tự hào của chúng ta về quá khứ, từ đó chúng ta biết nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những cống hiến, sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước.


Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày