Thứ 5, 25/07/2024, 02:25[GMT+7]

Ẩm thực ngày tết: Nét đẹp văn hóa ba miền

Thứ 2, 14/01/2019 | 08:22:51
2,418 lượt xem
Nhắc đến tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.

Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà phong tục ẩm thực của từng vùng cũng có những "dấu ấn" không lẫn vào đâu được.

Miền Bắc
Khi nói về cái tết miền Bắc, ông cha ta có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Qủa đúng như vậy, món ăn đầu tiên không thể thiếu trong dịp tết Nguyên đán chính là bánh chưng. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Trong “Đất” là hội tụ đầy đủ của “Kim” (gạo nếp trắng) “Mộc” (lá dong xanh và lạt tre) “Thủy” (luộc trong nước) Hỏa (thịt đỏ) và “Thổ” (đỗ vàng). Đó là nét tinh túy và ý nghĩa sâu xa của món ăn này.
Mâm cỗ tết miền Bắc còn rất tinh tế ở chỗ người ta đã biết kết hợp hài hòa giữa món thịt và món rau, món nước và món khô. Ví dụ như món rau củ (thường là su hào và cà rốt) xào lòng gà hoặc thịt bò, canh măng nấu với cổ, cánh gà, miến xào lòng gà và mộc nhĩ... Tất nhiên là không thể thiếu món dưa hành chua chua, cay cay, ăn chống ngán.

Kế đến là món thịt đông. Nói đến món ăn này nhiều người thắc mắc, tại sao trong cái tết lạnh buốt ở miền Bắc, người ta lại ăn một món lạnh ngắt như vậy? Tuy nhiên, có thử thì mới biết nó ngon đến mức nào. Vị béo ngậy, giòn giòn của thịt đông kết hợp với vị chua chua của dưa hành ăn kèm với bát cơm tám nóng hổi trên tay trong thời thời tiết lạnh giá thì còn gì bằng. Hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn một nồi thịt đông đầy ngút từ khoảng tầm 27 - 28 tết.

Món ăn tiếp theo là xôi gấc đỏ. Màu đỏ của xôi gấc thể hiện cho ước nguyện một năm mới may mắn, sung túc tràn đầy. Xôi gấc đỏ, ăn cùng gà luộc chấm muối lá chanh hoặc giò lụa, nem rán.

Tiếp đến là giò lụa, giò lụa là một món ăn vô cùng tinh tế của người miền Bắc, được làm từ thịt lợn nạc xay nhuyễn, nắn thành khoanh giò trắng mịn, bắt mắt. Khi ăn, người ta chỉ việc cắt khoanh nhỏ, đem bày biện cùng với những món ăn ngày tết khác, vừa tiện lợi lại ngon miệng. Giò lụa được coi là món ăn không thể thiếu để khởi đầu cho năm mới đủ đầy cho cả gia đình.

Miền Trung

Mâm cỗ tết miền Trung cũng cầu kỳ và tinh tế không kém miền Bắc. Khác với miền Bắc, người miền Trung sử dụng bánh tét để cúng gia tiên. Loại bánh này được làm tương tự như bánh chưng, cũng được làm từ gạo nếp, đỗ, thịt lợn, gói trong lá chuối hoặc lá dong. Chỉ khác là bánh tét có hình trụ dài, trong khi bánh chưng lại là hình vuông. Trong mâm cỗ đủ đầy của người miền Trung, đặt chính giữa luôn là đĩa bánh tét được cắt thành những khoanh tròn, bên trong nhân thịt mỡ và đậu xanh cực kỳ bắt mắt, tượng trưng cho một năm mới sung túc, ấm no.

Tiếp theo là món nem chua. Không chỉ ngày tết ở miền Trung, ngày nay món ăn này được phổ biến toàn quốc, nhất là các quán vỉa hè và là món ăn yêu thích của rất nhiều người. Nem chua được làm từ thịt lợn xay sống sau đó được trộn ướp cùng các gia vị và bì lợn thái chỉ rồi gói trong lá chuối. Nem được ủ lên men trong thời gian nhất định đến khi nem “chín” là có thể dùng trực tiếp được.

Thịt heo ngâm nước mắm.

Thịt heo ngâm nước mắm là một món ăn không thể không nhắc đến trong những ngày tết vùng Trung Bộ. Món ăn được chế biến cực kỳ đơn giản từ thịt heo luộc chín, ngâm trong nước mắm nấu đường tạo nên vị mặn ngọt đậm đà. Thịt heo ngâm nước mắm được dùng chung với rau sống, bánh tráng, củ kiệu chua ngọt hay dưa hành và chỉ cần ngâm từ 2 - 3 ngày là có thể lấy ra dùng được. Ngoài ra người miền Trung còn ngâm cả tai heo, bắp bò cũng hấp dẫn không kém.

Bánh tổ cũng không thể thiếu trong ngày này. Đây là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp, đường đen, gừng và hạt vừng, khi ăn có vị ngọt thanh xen lần vị cay ấm, thơm nồng của gừng.

Ngoài ra, mâm cỗ tết ở miền Trung còn có một số món như dưa củ kiệu, bò kho mật mía, chả bò, thịt phay, tôm chua...

Miền Nam

Đặc trưng văn hóa miền Nam là tính cách con người nơi đây rất phóng khoáng, không thích sự gò bó nên các món ăn trong mâm cỗ tết vùng này cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, vẫn có một số món ăn phổ biến hay dùng để cúng trong đêm giao thừa như bánh tét, thịt kho tàu, canh măng, chả giò (giống như nem rán miền Bắc), canh khổ qua (canh mướp đắng).

Nói đến canh khổ qua, món ăn này có ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu như xôi gấc ở miền Bắc thể hiện sự may mắn trong đầu năm mới thì canh khổ qua bày tỏ ước nguyện mọi điều đau khổ trong năm tới sẽ qua mau mà thay vào đó là tràn trề hạnh phúc no đủ (nhân thịt ở giữa). Bên cạnh đó, đây là món ăn giúp thanh nhiệt, cân bằng cơ thể rất hiệu quả, nhất là trong những ngày tết.

Canh khổ qua nhồi thịt.

Một điểm đáng chú ý khác đó chính là bánh tét miền Nam được biến tấu rất đa dạng và khác rất nhiều so với bánh tét miền Trung. Không đơn thuần chỉ là nhân đậu xanh và thịt ba chỉ, người miền Nam còn “chế” thêm bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hoặc nhân chuối), bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng), bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với gạo nếp).

Ngoài ra mâm cỗ tết ở miền Nam không thể thiếu các món nguội như tôm khô trộn củ kiệu, gỏi ngó sen, tai lợn ngâm dấm, giò lợn, lạp xưởng, nem bì, gỏi gà xé phay...

Trên đây chỉ là những món ăn phổ biến nhất trong mâm cổ tết của từng vùng miền. Ngoài ra, từng tỉnh hay thậm chí từng gia đình còn có những món ăn riêng khác để làm phong phú hơn cho mâm cỗ ngày tết. Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn ngày tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.

Hoài Nam

(Tổng hợp)

  • Từ khóa