Thứ 7, 02/11/2024, 22:27[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 2, 14/01/2019 | 08:56:00
1,212 lượt xem
Với sự chỉ đạo sát sao của các ngành chức năng cùng sự vào cuộc tích cực của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sẽ được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc duy trì, phát triển ổn định ngành chăn nuôi của tỉnh.

Người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2018, nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi của tỉnh duy trì và phát triển ổn định. Cơ cấu giống vật nuôi chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 266.000 tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 734 trang trại và hơn 7.200 gia trại chăn nuôi; thường xuyên duy trì đàn vật nuôi khoảng 54.000 con trâu, bò, hơn 1 triệu con lợn và hơn 13 triệu con gia cầm các loại. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang phức tạp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thường, nhiệt độ thấp kèm theo mưa, độ ẩm không khí cao là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số ổ dịch phải tiêu hủy gần 3.000 con gia cầm bị dịch cúm và hơn 60 con lợn mắc bệnh phù đầu, hội chứng bệnh đường hô hấp, bệnh lở mồm long móng. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Là hộ chăn nuôi nằm trong khu vực mới xảy ra ổ dịch lở mồm long móng, gia đình ông Bùi Mạnh Hùng ở thôn Tử Tế, xã Thanh Tân (Kiến Xương) hiện đang tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Ông Hùng cho biết: Tháng 12/2018, đàn lợn của một hộ chăn nuôi trong thôn bị mắc bệnh lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy 15 con với tổng trọng lượng 980kg. Nhận thấy tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh, gia đình tôi đã thực hiện ngay việc tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho toàn bộ 160 con lợn tại trang trại; đồng thời, thêm thuốc bổ vào thức ăn cho đàn lợn để tăng sức đề kháng; hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế người ra vào chuồng trại để tránh dịch bệnh xâm nhập.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Đông Hưng cũng đang đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. 

Bà Phạm Thị Loan, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Với phương châm phòng bệnh là chính, huyện đã chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Từ đó xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn không để gió lùa, giữ nhiệt độ chuồng nuôi ổn định; tăng cường quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; dự trữ nguồn thức ăn, cho ăn đầy đủ thức ăn dinh dưỡng, bổ sung thêm các vitamin, chất điện giải nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cũng thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

Với sự chỉ đạo sát sao của các ngành chức năng cùng sự vào cuộc tích cực của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sẽ được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc duy trì, phát triển ổn định ngành chăn nuôi của tỉnh.


Thanh Huyền