Thứ 3, 06/08/2024, 21:25[GMT+7]

Chuyện của cựu chiến binh Chu Văn Sáng

Thứ 2, 14/01/2019 | 10:45:45
5,453 lượt xem
Nhiều cựu chiến binh (CCB) Thái Bình từng chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Quân khu 5 gian khổ và ác liệt mỗi lần gặp mặt lại dành cho CCB Chu Văn Sáng ở thôn Tam Đồng, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng tình cảm yêu thương, quý trọng.

Cựu chiến binh Chu Văn Sáng bị ung thư gan nguyên phát, trên lưng có nhiều u cục do bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin.

Vén mái tóc trên chỏm đầu ông Chu Văn Sáng để lộ một mảng trắng, lõm sâu vào xương sọ và bảo đây là vết thương sọ não, ông kéo tiếp ống quần phải lên quá gối, một vết sẹo thâm đen đây là vết thương gãy cẳng chân phải, lại còn sức ép của bom đạn làm thủng màng nhĩ nên sức nghe của ông Sáng lõm bõm như người nghễnh ngãng. 

Thương binh hạng 2/4 Chu Văn Sáng lấy ra một túi đựng hồ sơ bệnh án mà ông vừa dứt đợt điều trị dài ngày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi nói: Đi đánh giặc chỉ bị thương không bị chết, nay bệnh án này là giấy báo tử không biết sẽ ra đi lúc nào... Tôi cầm tờ giấy ra viện của ông Sáng và chép lại: Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa A3 (nội tiêu hóa), giấy ra viện, bệnh nhân Chu Văn Sáng, sinh năm 1949, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan tái phát gan trái/HBV +, bệnh kèm theo xơ gan, phẫu thuật cắt gan. 

Trước đó, tháng 2/2017, ông Sáng đã phải phẫu thuật cắt một phần gan. Vết thương thực thể chiến tranh được cơ quan chức năng xác nhận ông là thương binh hạng 2/4 còn vết thương không mảnh đạn xác nhận Chu Văn Sáng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, khi kéo áo phía sau lưng ông Sáng nổi dầy những u, cục thâm đen. 

Tháng 6/2009, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình có Quyết định số 1054/QĐ-SLĐTBXH do Phó Giám đốc Sở Đỗ Trọng Khoa ký quyết định trợ cấp cho ông Chu Văn Sáng người đã có thời gian tham gia kháng chiến tại địa bàn Mỹ rải chất độc hóa học từ tháng 2/1968 đến tháng 7/1971. Ông Chu Văn Sáng được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mỗi tháng 717.000 đồng, nay là trên 1.900.000 đồng. Những tưởng đóng góp của ông Chu Văn Sáng cho cách mạng và được hưởng các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước như trên là phù hợp nhưng không phải vậy, mới đây, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình có thông báo dừng trợ cấp đối với ông Chu Văn Sáng và một số CCB khác của xã Đông Hà đang hưởng trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh với lý do sau thực chứng các CCB này không có con bị dị dạng, dị tật. 

Chúng tôi chưa đề cập sâu đến 8 trường hợp CCB khác ở xã Đông Hà sau thực chứng bị thông báo dừng trợ cấp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng cả 8 trường hợp bị thông báo dừng trợ cấp thì người ít tuổi nhất là CCB Hoàng Văn Đào 62 tuổi có 3 năm thực chiến ở chiến trường nằm trong vùng Mỹ rải chất độc hóa học và người nhiều tuổi nhất là CCB Hoàng Văn Biên 87 tuổi có 10 năm chiến đấu ở chiến trường trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học. Được biết, cũng tại địa phương này có CCB nhập ngũ trước ngày 30/4/1975 hơn 1 tháng, hành quân vào tiếp quản miền Nam đã được giải phóng thì nay bản thân và con của họ vẫn đang tiếp tục thụ hưởng trợ cấp chất độc da cam/Điôxin? Đây là một nghịch lý cần phải thực chứng rõ ràng để bảo đảm sự công bằng, minh bạch của chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

*
*    *

Ông Chu Văn Sáng nhập ngũ năm 1967, đơn vị chiến đấu Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 anh hùng, ông Sáng tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ ở chiến trường tỉnh Bình Định. 

Theo các CCB ở Thái Bình là đồng đội của ông Sáng kể, trong chiến đấu Chu Văn Sáng dũng cảm và gan góc.Tháng 9/1969, ông Sáng đã được đơn vị cử đi báo cáo thành tích vận dụng ba chạc đặt súng DK bắn xe tăng địch và ngăn cản bộ binh được tặng thưởng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 1/1970, trong trận chốt giữ Mũi Dinh, huyện Bình Tường, tỉnh Bình Định, trận này Tiểu đoàn 6 tiêu diệt 14 xe thiết giáp và xe GMC của địch đang trên đường 19 chở quân và phương tiện khí tài từ cảng Quy Nhơn tiếp ứng cho chiến trường Tây Nguyên, Chu Văn Sáng bắn cháy 1 máy bay trực thăng chở phó sư đoàn trưởng sư đoàn Bạch Mã, sư đoàn lính đánh thuê của Nam Triều Tiên đi thị sát chiến trường. Cùng đồng đội chốt giữ Mũi Dinh, bảo vệ an toàn cho 3 đồng đội bị thương là Nguyễn Văn Biều người Hà Bắc, Hà Văn Tỷ người Thanh Hóa và anh Kíp người Hà Bắc, bảo đảm an toàn cho Tiểu đoàn rút quân về hậu cứ và cũng chính trong trận này địch đã dùng vũ khí hóa học, bom xăng nhằm hủy diệt trận địa Mũi Dinh nhưng vẫn không chiếm được chốt do Chu Văn Sáng cùng đồng đội chốt giữ. Kết thúc trận đánh, Chu Văn Sáng được đơn vị khen tặng dũng sĩ Mũi Dinh và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. 

Tháng 7/1971, Chu Văn Sáng phải rời xa chiến trường, rời xa đồng đội về miền Bắc để điều trị vết thương, với tỷ lệ thương tật mất hơn 61% sức khỏe, là thương binh hạng 2/4. Được ra Bắc điều trị vết thương, bệnh ổn định ông Sáng tiếp tục theo học đại học ngành lâm nghiệp và về công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho đến tuổi nghỉ hưu. 

Có mấy ai biết được Chu Văn Sáng trong kháng chiến chống Mỹ là một chiến sĩ dũng cảm, can trường tham gia nhiều trận đánh Mỹ, ngụy và lính đánh thuê Nam Triều Tiên tại chiến trường Quân khu 5 gian khổ và vô cùng ác liệt. Bằng dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ diệt xe tăng, dũng sĩ quyết thắng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công của CCB Chu Văn Sáng là thực chứng để ông Sáng được thụ hưởng các chế độ ưu đãi người có công mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm dành cho. 

Thế nhưng chỉ còn ít ngày nữa là đón xuân mới Kỷ Hợi, CCB Chu Văn Sáng vẫn đang lận đận với những lá đơn tìm đến cơ quan chức năng với một câu hỏi. Thực chứng kiểu gì? Và tại sao lại cắt trợ cấp người bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin của ông? Câu hỏi dành cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình trả lời.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)