Thứ 6, 03/01/2025, 09:46[GMT+7]

Vũ Thư: Đất chuyển mình

Thứ 3, 22/01/2019 | 08:41:04
1,875 lượt xem
“Đất bạc màu và vai áo em bạc thêm… Đất ôm trọn kiếp người, mảnh đất quê hương ta” - câu hát cứ vấn vương, kéo tôi về Vũ Thư - huyện cửa ngõ của tỉnh, nằm tựa lưng vào dòng sông Hồng trĩu nặng phù sa. Bất giác, tôi lắng nghe thấy như đất nơi này đang chuyển mình, đem ấm no về với người nông dân.

Mô hình chăn nuôi gà của nông dân xã Phúc Thành (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quỳnh Lưu

Năm 2018, Vũ Thư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, lúa xanh cây, bén rễ thì gặp sâu bệnh, nhiều diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen gây hại. Thời tiết diễn biến phức tạp, đe dọa mùa màng, cây trái và cả những bè nuôi cá trên sông cũng trở nên hết sức bấp bênh. Sau đợt lợn mất giá, người nông dân trở nên dè dặt khi muốn tái đàn. Song vượt lên những khó khăn, thách thức ấy, người dân Vũ Thư vẫn một niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. 

Chính niềm tin ấy đã làm nên một Vũ Thư với nhiều thành tựu mà chính người trong cuộc cũng thấy ngỡ ngàng: tổng giá trị sản xuất cả năm đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế của một huyện thuần nông đã có sự chuyển dịch tích cực: nông nghiệp - thủy sản 30,31%; công nghiệp - xây dựng 43,9%; thương mại, dịch vụ 25,79%. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất cả vụ xuân và vụ mùa đều tăng. 

Cùng với hai vụ lúa, Vũ Thư là huyện có phong trào trồng cây vụ đông, vụ hè khá mạnh và đa dạng. Giờ đây, trên đồng đất Vũ Thư không chỉ có ngô để luộc, khoai lang để chăn nuôi mà tư duy của người nông dân đã thấy lợi ích của sản xuất hàng hóa. Họ chia tay với cung cách sản xuất tự cung, tự cấp của một thời từng làm cho họ luôn thiếu ăn. Nông dân biết liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa HTX với doanh nghiệp và phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Những thửa ruộng manh mún và cánh đồng nhỏ hẹp chỉ thấy bờ ruộng là chủ yếu nay Vũ Thư đã có 19 cánh đồng mẫu lớn ở 18 xã với diện tích 1.175ha, trong đó 91% diện tích trồng lúa. Xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa bằng công nghệ cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình sản xuất nông nghiệp nhà lưới ở Song An, rau quả ở Trung An, Việt Hùng, Tân Phong. Toàn huyện đã chuyển đổi gần 40ha đất cấy lúa trước đây sang trồng cây màu ở 8 xã, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa như: trồng bí xanh ở Song Lãng, Xuân Hòa; trồng ớt ở Vũ Đoài, Tân Phong, Song Lãng. Đặc biệt là trồng khoai tây xuân giống Maraben nhập nội cho giá trị thu nhập cao ở Nguyên Xá, Tân Hòa. Huyện vẫn chỉ đạo quyết liệt việc tích tụ ruộng đất, đến hết năm 2018 đã tích tụ được trên 627ha, trong đó 164ha của cá nhân, hộ gia đình. Trong đó tích tụ 0,3ha trở xuống có 119 hộ, từ 3 - 5ha có 26 hộ, từ 5 - 10ha có 13 hộ. Hộ dân có diện tích tích tụ cao nhất 20ha là gia đình ông Nguyễn Văn Kiên ở thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong. Có 3 doanh nghiệp thuê đất với diện tích 153ha là Tập đoàn TH, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Thái và Công ty Dược Khải Hưng. Một số mô hình du lịch sinh thái trong nông nghiệp không chỉ người trong tỉnh biết mà rất nhiều du khách trong nước cũng tìm đến như cánh đồng hoa cải ở xã Hồng Lý. 

Tôi đã gặp những người dân ở đây, họ đều chung một câu nói: Đất ấy chẳng làm được gì, nay trồng hoa cải lại thu bội tiền. Chỉ có tư duy năng động, những người biết quy luật cuộc sống như một nhà thơ đã viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. 

Tôi đã cùng các anh lãnh đạo huyện đến một số trang trại, gia trại mà thêm tự hào về người Vũ Thư của thời kỳ đổi mới, họ hội nhập với cơ chế thị trường, hội nhập với kinh tế thế giới nhanh hơn tôi tưởng. Họ nói chuyện làm kinh tế mà hiền như “hạt lúa, củ khoai” nhưng ẩn chứa trong cái hiền lành, chất phác ấy là một sự táo bạo, mạnh mẽ và chấp nhận cả những rủi ro có thể đến. 

Ngồi trên lồng cá trên sông Hồng để nghe chuyện của một chủ lồng cá mới thấy sự mạnh mẽ đến kỳ lạ của người nông dân vừa thoát ra khỏi đồng ruộng “một nắng, hai sương” để trở thành những ông chủ mới, có trong tay tiền tỷ. Xưa kia người ta thường nghĩ nhà máy, xí nghiệp chỉ có ở thành phố, thị trấn, đâu có về đến nông thôn. Nay thì đã khác lắm, bức tranh nông thôn mới giờ không chỉ có đường mới, nhà cao mà nhiều công ty đang đứng chân ở vùng nông thôn, rất xa đô thị. Có dự án lớn hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động, giúp họ “ly nông” mà không phải “ly hương”. 

Chỉ tính năm 2018, huyện đã đón 44 doanh nghiệp vào đầu tư, nâng số doanh nghiệp đang có mặt trên đất Vũ Thư lên 350. “Đất lành chim đậu”, những cơ chế thông thoáng của huyện đang có sức hấp dẫn, hiện có 20 dự án xin đầu tư, trong đó 8 dự án vào cụm công nghiệp; 7 dự  án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, thu hút 4.550 lao động.

Mùa xuân mới đang đến gần. Câu chuyện đất chuyển mình cứ làm cho tôi thấy tiếc là mình không được sinh ra ở Vũ Thư. Nhưng cho dù có đi đâu tôi vẫn nhớ về mảnh đất ấy, mảnh đất đang làm nên những điều kỳ diệu.

Phạm Viết Thanh
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày