Thứ 6, 22/11/2024, 21:36[GMT+7]

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Thứ 6, 25/01/2019 | 09:52:46
2,095 lượt xem
Để bảo đảm an toàn trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến khách ngang sông trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân năm 2019, hiện nay các lực lượng chức năng đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức của các chủ đò, người điều khiển phương tiện trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Lực lượng thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra bến đò Phú Dâu, xã Đông Trà (Tiền Hải).

Giao thông đường thủy luôn được các ngành chức năng xác định tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ, nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện vận tải đường thủy trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân năm 2019, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về giao thông đường thủy nội địa, tập trung các nội dung về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa, quy định trang thiết bị, sử dụng phao cứu sinh... Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra toàn bộ các bến đò ngang, yêu cầu các chủ đò chấp hành nghiêm quy định về vận tải hành khách ngang sông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy.  

Ông Đỗ Trọng Luận, Trưởng Công an xã Nam Hải (Tiền Hải) cho biết: Trên địa bàn xã Nam Hải hiện có bến đò ngang An Cứ đang hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại chủ yếu của người dân xã Nam Hải và những xã lân cận với xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Mỗi ngày, có khoảng 150 lượt người và phương tiện lưu thông qua bến đò này. Xác định giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ do đó hàng năm, trước dịp tết Nguyên đán và trước mùa mưa bão, địa phương đều phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động tại bến đò ngang An Cứ. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng lưu ý với chủ đò phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, không được chở quá tải trọng cho phép, không mượn người chở, không được sử dụng phương tiện chưa đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm để chở khách. Khi phương tiện hoạt động phải có đủ phao cứu sinh và các thiết bị cứu hộ khác...

Trao đổi với chúng tôi, ông Khúc Ngọc Cảnh, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 4, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thái Bình là tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc với 4 sông lớn, thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia chảy qua là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý. Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 bến đò ngang với 81 phương tiện đang hoạt động. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân năm 2019, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã chủ động phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng, công an các huyện kiểm tra bến đò, phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 16/1, lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng, công an huyện kiểm tra được 29 bến đò ngang tại 4 huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy và Hưng Hà. Sau khi kiểm tra, theo đánh giá của lực lượng chức năng, đại đa số các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và người dân đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy. 

Thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra bến khách ngang sông tại các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư. Trong quá trình kiểm tra, các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như: phương tiện không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định... 

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền tới các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối không chở quá số người quy định, yêu cầu hành khách khi đi đò phải mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi theo quy định nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.

Phạm Hưng