Thứ 6, 10/01/2025, 01:01[GMT+7]

Thượng Hiền phát triển kinh tế trên 3 trụ cột

Thứ 6, 25/01/2019 | 09:53:59
2,183 lượt xem
Năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội phát triển đi lên, cuộc sống nhân dân được cải thiện.

Cơ sở chẻ mây Phạm Thị Nhẫn thôn Trung Quý.

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết: Xác định năm 2018 là năm thứ ba thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết đại hội đảng các cấp, có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để củng cố và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã trong giai đoạn tiếp theo, Thượng Hiền đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cả 3 lĩnh vực trụ cột là: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, kinh tế của xã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Trong sản xuất nông nghiệp, Thượng Hiền duy trì gieo cấy 302,8ha, 100% diện tích bằng giống lúa ngắn ngày. Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại lúa nên năng suất, sản lượng lúa ở địa phương vẫn đạt cao 131 tạ/ha. Đặc biệt, địa phương đã tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao như giống lúa Nhật, QJ4, HJ1, TH1, Sơn Lâm 1. Đặc biệt, giống Sơn Lâm 1 tại thôn Trung Quý do HTX SXKD DVNN ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Tiền Hải thực hiện gieo cấy 14ha, năng suất đạt 2,3 - 2,5 tạ/sào. Với mô hình này, doanh nghiệp đầu tư 50% giống và 145.000 đồng phân bón/sào đồng thời bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá 8.400 đồng/kg. Hay mô hình cấy giống lúa QJ4 và HJ1 cấy tại thôn Văn Lăng với diện tích 3 mẫu, năng suất đạt 2,5 - 2,7 tạ/sào, trong đó doanh nghiệp cũng hỗ trợ giá thóc giống 5.000 đồng/kg và khoảng 19kg/sào phân bón NPK. Lĩnh vực chăn nuôi ở Thượng Hiền cũng duy trì đà tăng trưởng, đã phát triển mô hình chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi lớn như hộ ông Phạm Ngọc Quân, thôn Đông Khánh thường xuyên nuôi trên 200 con trâu.

Song song với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thượng Hiền đã tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngoài duy trì, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, địa phương còn du nhập một số nghề mới như gỗ mỹ nghệ, tăm hương và may mặc. Trong tổng số 1.800 lao động trong độ tuổi lao động của xã thì 100% lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 5,67%. 

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: Nghề mây tre đan ở địa phương có từ lâu đời, trong đó phát triển mạnh từ thời bao cấp có hợp tác xã mây tre đan. Trước năm 1990 xã đã có 2 doanh nghiệp chuyên về mây tre đan xuất khẩu, tuy nhiên sau đó thị trường Đông Âu sụp đổ nên nghề bắt đầu chậm lại. Để duy trì nghề này người làm nghề trong xã đã tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm và tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất. Vì thế, đến nay nghề mây tre đan vẫn giữ vững ở 2 loại hình là làm hàng hóa xuất khẩu và làm mặt ghế cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước với 2 doanh nghiệp và 35 tổ hợp làm nghề. Khác với trước đây, hiện nay nhiều công đoạn cũng đã được người dân đưa máy móc vào sử dụng, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cấp ủy, chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn ưu đãi để phát triển nghề, tạo điều kiện về quỹ đất để cho các đơn vị tổ hợp, doanh nghiệp thuê hoặc mua đất. Ngoài ra, hàng năm Đảng ủy, UBND xã đều có nghị quyết chuyên đề về phát triển nghề và quảng bá thương hiệu sản phẩm. 

Bà Phạm Thị Nhẫn, chủ cơ sở chẻ mây thôn Trung Quý cho biết: Nghề mây tre đan của xã luôn phát triển ổn định, bình quân mỗi tháng Thượng Hiền tiêu thụ hàng trăm tấn mây nên nguồn nguyên liệu hoàn toàn phải nhập từ miền Nam. Lợi thế ở nghề này là tận dụng được tất cả nguyên liệu từ vỏ mây cho đến ruột mây đều cho ra sản phẩm, trong đó vỏ làm mặt hàng ghế, ruột làm hàng hoa bán sang nước ngoài. Vì thế, nhà bà Nhẫn đã duy trì chẻ mây từ hàng chục năm qua để xuất bán cho các cơ sở ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đối với các lao động đan mây cũng không cần làm tập trung, chỉ lấy nguyên liệu mang về nhà tự làm, từ người già tới trẻ em đều làm được với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.

Với đà phát triển trên, năm 2019 Thượng Hiền tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng trên ba lĩnh vực kinh tế trụ cột; phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 69 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 4%.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày