Thứ 7, 23/11/2024, 20:04[GMT+7]

Kết thúc đợt 1 lấy nước các hồ thủy điện đã xả 1,18 tỷ mét khối

Thứ 7, 26/01/2019 | 16:24:54
1,179 lượt xem
Kết thúc đợt 1 lấy nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2018 – 2019 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ diễn ra từ 0h ngày 21/01/2019 đến 24h ngày 24/01/2019, đã có gần 55% diện tích gieo cấy của các địa phương này đã được lấy nước. Mặc dù diện tích được lấy nước tăng so với cùng kỳ các năm trước nhưng lượng nước xả từ các hồ thủy điện lại thấp hơn so với dự kiến khoảng 500 triệu mét khối.

Các trạm bơm đã tranh thủ điều kiện thủy văn thuận lợi để vận hành lấy nước phục vụ sản xuất. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Tổng cục Thủy lợi  (Bộ NN&PTNT) cho biết để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du theo đúng kế hoạch, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ ngày 18/1/2019, trước thời gian lấy nước chính thức 3 ngày. Trong thời gian đợt 1 lấy nước, mực nước hạ du được duy trì ở mức tương đối tốt để các công trình thủy lợi có thể vận hành lấy nước phục vụ sản xuất.

Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,18 tỷ m3nước, thấp hơn dự kiến khoảng 500 triệu m3.

Kết thúc đợt 1 lấy nước, diện tích có nước  vụ Đông Xuân 2018-2019 tại các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 301.100 ha, đạt 54,48% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, trong đó tỉnh Nam Định đang là địa phương dẫn đầu với 86,3% diện tích đã lấy đủ nước, tiếp theo là tỉnh Ninh Bình 81,14%;Phú Thọ 74,27%; Hà Nam 72,01%; Thái Bình 60,57%, Hải Dương 43,13%; Vĩnh Phúc 42,28%; Hưng Yên 41,84%; Hà Nội 32,2%; Bắc Ninh 30,79% và Hải Phòng 27,77% .

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi trong đợt 1 việc lấy nước khá thuận lợi do thời tiết có mưa, dòng chảy sông Hồng được duy trì bảo đảm lấy nước hiệu quả, nhất là các địa phương vùng ven biển.

Các địa phương đã tổ chức lấy nước sớm và tăng cường phương tiện lấy nước hiệu quả nên diện tích lấy nước hiện ở mức cao hơn từ 20-33% so với cùng kỳ một số năm trước.

Cụ thể, diện tích Đông Xuân có nước khi kết thúc đợt 1 trong năm 2018 là 29,5%, năm 2017 là 22,22%, năm 2015 là 34,7%. Diện tích có nước vụ Đông Xuân năm nay khi kết thúc đợt 1 lấy nước thậm chí  còn cao hơn 6% so với năm 2016 là năm có mưa lớn trong đợt lấy nước.

Theo Tổng cục Thủy lợi điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước chung của toàn vùng.

Tổng cục Thủy lợi cho biết sau đợt 1 lấy nước, các địa phương sẽ tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước đã tích trữ trong ao, hồ, vùng trũng, hệ thống kênh mương.   

Đợt 2 lấy nước sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch trong 4 ngày (từ ngày 31/1-3/2/2019, Dự kiến, kết thúc đợt 2, một số địa phương sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước  như : Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam.

Một số địa phương khác là Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, đợt 2 sẽ là thời gian lấy nước chính.   

Vùng dự kiến khó khăn nhất về nguồn nước năm 2019 thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống do nguồn nước phụ thuộc vào cống Long Tửu (lấy nước từ sông Đuống, mực nước thường bị hạ thấp), diện tích khó khăn khoảng 2.000 ha/6.000 ha của các huyện Tiên Du, Từ Sơn, TP. Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng trạm bơm Yên Hậu (6 máy x 5.000 m3/h) lấy nước từ sông Cà Lồ để tưới hỗ trợ trong trường hợp nguồn nước khó khăn; tuy nhiên, do công suất trạm bơm không lớn nên thời gian cấp nước sẽ bị kéo dài.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước từ các hồ thủy điện trong các đợt lấy nước tiếp theo, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục huy động mọi phương tiện lấy nước để tiếp tục tận dụng nguồn nước từ các hồ chứa nước thủy điện; tiếp tục vận hành phương tiện để tăng cường lấy nước trong thời gian trước đợt 2 khi điều kiện nguồn nước cho phép.

Tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc bừa vỡ mặt ruộng để tăng độ keo đất, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước, nhất là các diện tích được gieo cấy sau Tết Nguyên đán.

Đối với các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước (Hà Nội, Bắc Ninh) cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các giải pháp bổ sung nguồn nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm dâng mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên +2,2 m theo đúng kế hoạch trong đợt 2 và đợt 3, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày