Thứ 5, 25/07/2024, 23:14[GMT+7]

Cây cũ cách làm mới

Thứ 2, 28/01/2019 | 09:01:40
553 lượt xem
Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) được xem là vựa rau của tỉnh với diện tích trên 200ha, hệ số sử dụng đất đạt từ 4 - 5 vụ/năm, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn rau các loại. Những năm gần đây, người dân Quỳnh Hải bắt đầu tiếp cận với phương thức canh tác mới, tạo ra sản phẩm an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, dần xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ.

Cây giống được gieo bằng khay có chứa giá thể, bảo đảm tỷ lệ nảy mầm cao.

Ông Phạm Văn Liễn, Giám đốc HTX SXKD DVNN Quỳnh Hải cho biết: Người dân Quỳnh Hải có kinh nghiệm sản xuất rau từ những năm 90 của thế kỷ trước với trên 30 loại rau khác nhau, trong đó có một số rau gia vị như cần tây, tỏi tây, mùi, thì là… được sản xuất quanh năm với sản lượng lớn. Bên cạnh đó, các hộ dân còn sản xuất một số giống cây màu gồm cà chua, bắp cải, su hào, xà lách… Ngoài việc nhanh nhạy, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, người dân Quỳnh Hải đã có ý thức trong canh tác, dần thay đổi những thói quen cũ, vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, đúng nguyên tắc. Nông dân nâng cao nhận thức về cây trồng an toàn, ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, với chính cuộc sống của mình, có trách nhiệm về sản phẩm mà mình làm ra. Năm 2018, Quỳnh Hải là một trong hai HTX trên địa bàn tỉnh được tham gia dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan Hợp tác và phát triển Nhật Bản (JICA) hỗ trợ với quy mô 2ha trong vùng 8ha đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Dự án tổ chức tập huấn các hoạt động cải thiện biện pháp thâm canh nhằm sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Trong quá trình sản xuất, nông dân thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Chất lượng của sản phẩm được kiểm soát thông qua hoạt động kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm phân tích dư lượng định kỳ. Dự án cũng hỗ trợ nhà khum, khay, giá thể để sản xuất cây giống; hướng dẫn nông dân kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ cám, trấu; trang bị biển quảng cáo, tem nhãn, bao bì, thùng đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật… đồng thời tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực maketting, kết nối trực tiếp với người mua.

Qua thực tế các hộ tham gia dự án cho thấy, các loại cây trồng trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, thu hoạch được giá cao. Trong quá trình sản xuất, các hộ nông dân giám sát nhau, hướng dẫn bổ sung kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện. Hàng tháng có buổi trao đổi, đánh giá, nhận xét của các hộ nông dân do cán bộ quản lý HTX tổ chức. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất của các hộ nông dân thông qua quá trình chăm sóc, phòng, trừ các đối tượng dịch hại, từ đó đúc rút kinh nghiệm.

Ông Liễn cho biết thêm: Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn song thông qua dự án, nông dân Quỳnh Hải đã tiếp thu nhiều kỹ thuật sản xuất tiên tiến như cách gieo rau giống trên khay, làm phân hữu cơ sinh học bón rau để giảm việc dùng đạm urê, khống chế hàm lượng nitrat dưới ngưỡng cho phép. Không phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, sử dụng thuốc sinh học có thời gian cách ly bảo đảm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, thực hiện “4 đúng” trong phun thuốc. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được nông dân thu gom vào hệ thống bể chứa chuyên dụng, góp phần hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Sản xuất và cung ứng rau an toàn đang là vấn đề được các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm. Hy vọng rằng sự chuyển dịch từ vùng sản xuất rau lớn nhất của tỉnh sẽ không chỉ dừng lại ở diện tích 2ha như quy mô của dự án.

Lưu Ngần