Thứ 3, 23/07/2024, 10:14[GMT+7]

Qua cầu nhớ phà, đò

Thứ 2, 28/01/2019 | 09:16:50
15,924 lượt xem
Thái Bình qua Nam Định, Phủ Lý đã có cầu Tân Đệ, nay có thêm cầu Thái Hà trên đường 39 vắt ngang sông Hồng, thông thương với Phủ Lý, Hà Nam thuận tiện, nhanh chóng.

Cầu Thái Hà vừa khánh thành trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019. Qua đại hà bằng cầu nhưng vẫn không quên một thời đi phà, đi đò dọc, đò ngang đầy gian nguy. Năm 1947 - 1949, Pháp chưa chiếm đóng Thái Bình, thủ phủ của quân khu ba và của tỉnh Thái Bình đặt ở  vùng Đống Năm, Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng); cán bộ, bộ đội và thương nhân từ Nam lên Bắc Thái Bình hoặc sang vùng tự do Hà Nam đều phải đi đò dọc bằng thuyền nan chèo tay vì không có đường bộ. Năm 1952, Đại đoàn 320 tiến vào giải phóng Thái Bình, đoàn quân đi chân đất phải vượt qua sông Hồng. Giữa đêm đen địch hậu, tối mịt mùng, rét thấu xương da, trong vòng một tuần lễ giáp tết Nhâm Thìn 1952, nhân dân Nam Thư Trì, Vũ Tiên đã đón trọn vẹn mấy nghìn quân sang sông an toàn. Đầu tuần 300 thuyền nan và bè mảng rải ra mười bến, bí mật lẻ tẻ chở hết cánh quân thứ nhất; cuối tuần, vào đêm 29 tết ca nô, tàu chiến địch dăng ra ở địa phận Cổ Lễ; cánh quân thứ 2 chở súng hạng nặng bất ngờ bắn chìm 2 chiếc tuần hạm rồi xuống thuyền lớn của ban chuẩn bị chiến trường chờ sẵn sang sông cùng với tướng Văn Tiến Dũng và Bộ chỉ huy Đại đoàn. Địch bắn đại bác đuổi theo dọc đường hành quân vào nội địa; quân tướng vẫn an toàn tuyệt đối (Lịch sử Đảng bộ Thái Bình trang 588).

Đại đoàn quân tiến đến đâu, đồn bốt địch tan vỡ từng mảng, mở ra các vùng tự do liên hoàn. Nam, Bắc Thái Bình cán bộ, bộ đội đi lại giữa ban ngày. Địch đem đại quân do tên đại tướng Sa-Lăng trực tiếp chỉ huy càn quét Nam Thái Bình, lùng sục bộ đội chủ lực, lấy lại tinh thần cho binh lính, phục hồi một số chỗ hiểm yếu. Quân ta lại vượt sông, luồn sau lưng địch, nhằm chỗ sơ hở đánh địch tơi bời. Trung đoàn 64 vượt sông Hồng sang Hưng Nhân đánh đồn Nhâm Lang, mở cống lấy nước vào đồng Bắc Thái Bình cho dân mở hội cấy chiêm. Những chi bộ thép ven sông như xã Tiến Đức - Hưng Nhân (Hưng Hà) không những là điểm vượt sông lý tưởng của quân đội mà còn là trạm giao liên, trạm quân bưu chở bưu kiện và cán bộ ra vào.

Thời chống Mỹ, bến phà Tân Đệ, địch oanh tạc bất kể ngày đêm, rải bom bi, bom nổ chậm. Pháo phòng không săn máy bay đì đòm không ngớt. Các đoàn xe quân sự phải đi đêm, ca nô giấu trong lạch ở bãi sông, có tín hiệu an toàn mới ra bến. Xe máy, xe đạp không chờ được bằng phà mà muốn sang sông phải đi đò ngang, ngày hoặc đêm phải đi dọc sông, có sẵn đò đón cũng đi được nhưng phải đi vòng vèo vất vả. 

Tuy nhiên, địch chỉ đủ sức đánh lén bến phà mà có khi máy bay bị bắn cháy vội vàng lao ra biển. Giặc Mỹ ngừng ném bom thì bến phà gặp lũ lụt. Mùa lũ năm 1971: nước sông lên đỉnh cao, tràn cả đê Tân Đệ và đê Quán Chuột bên Nam Định. Nước mênh mông, khắp nơi báo động cấp 3. Bến phà ngừng hoạt động. Thuyền nan của tư nhân chở đò ngang sang sông kéo dài 2km. Ô tô phải gửi lại trên đê chờ nước rút. Đây là trận lũ lịch sử trước khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc.

LÊ TRỌNG
Tự Tân, Vũ Thư