Thứ 7, 23/11/2024, 09:32[GMT+7]

Du lịch - Làng nghề Thái Bình

Thứ 6, 01/02/2019 | 16:57:23
4,271 lượt xem
Không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An hay Phong Nha Kẻ Bàng… nhưng có 56km bờ biển với một số bãi biển còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ như Đồng Châu, cồn Vành, cồn Đen cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng… đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Chùa Keo
Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Với quy mô rộng lớn bao gồm nhiều công trình bề thế, được coi là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, một minh chứng cho sự tài hoa của những nghệ nhân thời nhà Lê. Điều đặc biệt là chùa Keo không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thánh với cách bố trí tiền Phật - hậu Thánh, trước sau rất hài hòa.

Đền Trần Thái Bình
Lễ hội đền Trần Thái Bình (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) hàng năm là dịp để du khách vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần.

Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm, đấy là Chiêu lăng, Dụ lăng và Đức lăng, phía sau tựa vào thôn Tam Đường. Cổng đền kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu. Qua cổng đền, sân đền là tòa bái đường. Qua tòa bái đường là sân chầu, nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, tế lễ. Tòa đệ nhị là công trình kết nối tòa bái đường và sân chầu. Kết nối tòa bái đường, sân chầu, tòa đệ nhị là tòa hậu cung rộng khoảng 90m2. Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng hàng năm.

Đền Tiên La
Đền Tiên La thờ Bát Nàn Tướng Quân, một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh đuổi giặc phương Bắc. Đền có quy mô lớn với kiến trúc đẹp, gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, hay thượng điện... Tòa điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết còn nội thất được chạm trổ long - lân - quy - phượng đan xen với thông - trúc - cúc - mai rất đẹp mắt. Đây là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách về với lễ hội đền Tiên La từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người đã có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi đầu sơ khai.

Hàng năm, đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch) thu hút đông đảo khách thập phương. Tại đây, du khách sẽ được chứng kiến các hoạt động tín ngưỡng cũng như tham gia nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt là được xem hai hoạt động thể thao đậm chất dân gian đặc sắc được lưu truyền từ ngàn xưa là đấu vật và bơi trải, tái hiện lại cảnh rèn binh và luyện tướng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhà Trần.

Khu du lịch sinh thái cồn Vành
Khu du lịch sinh thái cồn Vành (xã Nam Phú, Tiền Hải) cách thành phố Thái Bình khoảng 40km. Khi chạy xe dọc theo quốc lộ 39B, mở ra trước mắt du khách sẽ là bãi biển trải dài khoảng 6km vẫn còn nguyên nét hoang sơ vốn có. Du khách đến với cồn Vành sẽ được tắm mình dưới nắng gió biển khơi, đi bộ trong rừng thông và lắng nghe tiếng gió rì rào, thưởng thức những hải sản tươi ngon.

Khu du lịch sinh thái cồn Đen
Khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô, Thái Thụy) là điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn đối với du khách thích khám phá bởi nơi đây có thảm thực vật nguyên sơ. Du khách có thể thả hồn trước biển, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo khi đi dạo trên cây cầu tre dài 500m của khu du lịch cồn Đen.

Làng vườn Bách Thuận
Có tuổi đời đã hơn 100 năm, làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư) nằm cạnh dòng sông Hồng mang nặng phù sa, có  đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Đây là một làng quê cổ tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đồng thời cũng là làng vườn duy nhất ở tỉnh Thái Bình còn lưu giữ được nhiều nếp nhà Việt cổ với nghề trồng cây cảnh lâu đời, xen lẫn với các vườn cây ăn quả.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Tiến, Kiến Xương) đã tồn tại hơn 500 năm nay và nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo mang tính nghệ thuật rất cao. Hàng chạm bạc Đồng Xâm nổi trội so với hàng chạm bạc của các nơi khác ở kiểu thức lạ về hình khối, các đồ án trang trí tinh vi nhưng cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ được chủ đề chính... thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân Đồng Xâm lưu truyền đã qua bao thế hệ.

Làng nghề dệt khăn, dệt vải Phương La
Nghề dệt ở Thái Phương, huyện Hưng Hà có ở làng Phương La đã từ nhiều đời nay. Nghề dệt cũng là làng chuyên nghề truyền thống, dạy nghề, truyền nghề trước đây hết sức nghiệt ngã giống như làng chạm bạc. Vì vậy nó không phát triển mạnh mà chỉ được bó hẹp theo quan niệm làng nghề nhưng thực chất là nghề của làng.

Làng dệt chiếu Hới
Làng Hới (xã Tân Lễ, Hưng Hà) nổi tiếng với nghề dệt chiếu lâu đời không chỉ ở Thái Bình, mà còn được biết đến ở cả ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng.

Những người thợ tài hoa làng Hới còn tìm cách dệt ra được nhiều loại sản phẩm mới như loại chiếu dệt sợi dọc bằng sợi vải, hay viền mép (biên) bằng vải... nhờ đó đến giờ chiếu làng Hới vẫn được ưa chuộng ở nhiều nơi.

Việt Hùng