Chủ nhật, 24/11/2024, 01:08[GMT+7]

Kỷ vật tuổi thanh xuân

Thứ 7, 02/02/2019 | 09:12:08
1,761 lượt xem
Với họ, sau cuộc chiến còn sống trở về đã là hạnh phúc hơn nhiều đồng đội. Sau tiếng súng ngoài mặt trận họ mang về quê hương những vết thương trên cơ thể, vết thương không mảnh đạn, mảnh vải dù, chiếc võng dù, chiếc ăng-gô, chiếc ba lô tự tạo, chiếc radio (chiến lợi phẩm sau những trận đánh), là kỷ vật của người lính được lưu giữ mấy chục năm nay họ đem hiến tặng bảo tàng để thế hệ hôm nay và mai sau nhớ và biết thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Kỷ vật tuổi thanh xuân trao tặng cho Bảo tàng Cục Hậu cần.

Cầm tờ phiều đăng ký hiến tặng kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Cục Hậu cần (Tổng cục Hậu cần), cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Xuân Lâm 83 tuổi, quê ở xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tần ngần, ngắm lại những kỷ vật của một thời tuổi xuân cùng ông gắn bó với chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Một chiếc radio màu đen xỉn, chiếc ba lô tự tạo bằng mảnh vải bạt của quân Mỹ, chiếc võng nilon đã chuyển màu vàng ố, hai đầu võng đã sờn, ông bảo những kỷ vật này đã gắn với ông qua nhiều chiến dịch và 43 năm qua ở bên ông cùng người thân tại quê hương. Cầm chiếc radio trên tay, ông Lâm nhớ lại những năm 1963 ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đơn vị ở rừng lại liên tục cơ động, là Trung đội trưởng Thông tin, ông được giao giữ chiếc đài National để hàng ngày cập nhật tin tức chiến sự toàn miền Nam và tình hình thời sự của miền Bắc. Chiếc đài trở thành người bạn tâm tình của ông và cả Trung đội Thông tin qua nhiều chiến dịch. Những người đồng đội của ông như Quyết, Thắng, Thái, Nguyên, Bình và nhiều người nữa đã cùng ông nhiều đêm chụm đầu trong những căn hầm nhỏ giữa rừng miền Đông để nghe các bản tin thời sự, tiếng thơ, nghe lời chúc tết giao thừa của Bác Hồ từ miền Bắc động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Bây giờ chỉ có ông trở về miền Bắc, nhiều đồng đội đã nằm lại đất rừng miền Đông, kỷ vật của ông và cả Trung đội Thông tin nay thành hiện vật tại Bảo tàng Cục Hậu cần.

Tôi giữ những kỷ vật này tại gia đình nửa thế kỷ rồi, nay tặng lại Bảo tàng - cựu chiến binh Bùi Huy San, 70 tuổi ở xóm 6, xã Đông La, huyện Đông Hưng chia sẻ. Ông San từng là lính trinh sát Đơn vị Z27, Sư đoàn 9 tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Đông Sài Gòn, địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 19/8/1969, đơn vị ông đã luồn sâu đánh hiểm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phá hủy nhiều phương tiện kỹ thuật của Mỹ, ngụy. Sau trận đánh này, có nhiều đồng đội của ông nằm lại đến nay chưa tìm thấy hài cốt, còn ông San bị thương trong trận đánh này. Khi đơn vị rút về hậu cứ, kỷ vật chiến trường mà ông có được cũng là chiếc võng dù, một chiếc ăng-gô và một chiếc túi đựng mìn chống tăng, nay các kỷ vật cũng được ông Bùi Huy San đem hiến tặng Bảo tàng. Trong phiếu đăng ký hiến tặng kỷ vật chiến tranh, cựu chiến binh Bùi Huy San tâm tư: Tôi đã 70 tuổi rồi, những kỷ vật chiến trường tôi đem về sử dụng ở gia đình từ sau chiến tranh, chỉ mình tôi và người thân gia đình tôi biết, nay tặng Bảo tàng để nhiều người cùng biết, đó cũng là một phần của cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng gian khổ và ác liệt mà con cháu thế hệ mai sau cần biết và tự hào.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Lý, 72 tuổi, thương binh hạng 2/4 ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, nhập ngũ năm 1966 đơn vị C1, D1, E1, Sư đoàn 9 chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến tháng 4/1975 được về phục viên, tới tháng 9/1978 tình nguyện tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tới năm 1986 thì trở về quê hương. Cuộc đời quân ngũ của cựu chiến binh Nguyễn Minh Lý cùng đồng đội qua nhiều trận đánh quả cảm, kỷ vật chiến trường, ông mang theo là một chiếc dù nhỏ thu được trong trận đánh tết Mậu Thân 1968, một chiếc ba lô tự tạo. Ông Lý kể: Tết Mậu Thân 1968 đơn vị tham gia trận đánh một căn cứ Mỹ, ngụy. Kết thúc trận đánh, ông thu được một tấm vải bạt nhỏ của quân Mỹ, khi trở về hậu cứ ông dùng tấm vải bạt khâu thành chiếc ba lô để đựng vật dụng cá nhân, chiếc ba lô đã theo ông suốt cuộc chiến và hơn 40 năm qua, nay đem hiến tặng Bảo tàng Cục Hậu cần. Hơn một trăm cựu chiến binh quê hương Thái Bình từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, với hơn một trăm hiện vật, những hiện vật đang là bảo tàng sống giữa thời bình, đó là vết thương không mảnh đạn, chất độc hóa học vẫn đang hàng ngày, hàng giờ tàn phá cơ thể họ, có những vết thương thực thể mảnh đạn còn găm luôn nhói đau khi trái gió trở trời họ giữ lại cho riêng mình. Còn những vật phẩm của chiến tranh, là tăng, bạt, vải dù, ăng-gô, đèn pin, radio và nhiều kỷ vật hay một cuốn nhật ký giờ họ tặng lại Bảo tàng để lưu giữ lại một thời “không tiếc tuổi xuân giành độc lập tự do”. Trung tá Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Cục Hậu cần xúc động khi tiếp nhận những kỷ vật chiến tranh của các cựu chiến binh Thái Bình tham gia chiến đấu chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Kỷ vật của các cựu chiến binh Thái Bình hiến tặng Bảo tàng Cục Hậu cần là vô giá, mỗi kỷ vật đi liền một trận đánh, mỗi kỷ vật đều nói lên một thời hào hùng của bộ đội, của cán bộ, chiến sĩ hậu cần góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày