Thứ 7, 23/11/2024, 01:13[GMT+7]

Vững hậu phương - tết đong đầy yêu thương

Thứ 7, 02/02/2019 | 09:35:51
693 lượt xem
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, dù ở nơi đâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại thổn thức, mong ngóng đến ngày các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần cùng nhau đón thời khắc giao thừa. Đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, là niềm vui của mỗi người sau một năm dài với những vòng xoáy bận bịu, lo toan. Thế nhưng, có những người lính đảo và gia đình của họ lại không được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc giản dị ấy.

Tết của những người lính đảo.

Ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2018, tôi có dịp trò chuyện với chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Công việc ở cơ quan cũng như chăm sóc hai con nhỏ dường như chiếm trọn quỹ thời gian của chị. Tuy vậy, chị luôn cảm thấy tự hào khi có chồng là lính đảo Trường Sa. Mọi công việc dù bận rộn, vất vả đến đâu chị Thủy cũng chấp nhận để chồng chị là Đại úy Trần Văn Lãm, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài B (quần đảo Trường Sa) yên tâm công tác.  

Anh và chị cùng quê Tiền Hải, cùng học chung dưới một mái trường đến khi tốt nghiệp THPT nhưng tình yêu chỉ nảy nở khi anh vào học Trường Sĩ quan Lục quân 1 còn chị theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình. 5 năm yêu xa, mỗi lá thư anh gửi về từ đảo nhỏ là một kỷ niệm chị cất giữ đến bây giờ. 14 năm, kể từ cái thuở ban đầu ngỏ lời yêu đến một gia đình hạnh phúc với kết quả của tình yêu là hai nàng công chúa xinh xắn, những lá thư ấy vẫn vẹn nguyên kỷ niệm. Chị Thủy tâm sự: Hai đứa biết nhau từ nhỏ nên rất hiểu tính nhau. Ngay từ khi yêu, tôi đã xác định phải chấp nhận cuộc sống xa chồng. Anh cũng thấu hiểu điều đó nên luôn động viên, an ủi ba mẹ con. Từ năm 2013 anh bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Trường Sa thì 4 năm anh đón tết ngoài đảo. Khi tôi sinh cháu lớn, anh ở nhà được 3 ngày rồi phải vào đơn vị, còn cháu bé, khi con được 9 tháng tuổi anh mới về. Có những năm, cả tôi và anh đều phải trực tết, các con phải đưa về quê với ông bà. Thương các con, vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thêm một cái tết gia đình chị Thủy không có người chồng, người cha ở bên. Những ngày cuối năm, trong không khí rộn ràng của mùa xuân, nhà nhà, người người nhộn nhịp chuẩn bị đón tết thì chị vẫn ngày ngày tất bật hoàn thành những công việc của năm cũ và sửa soạn cho năm mới. Bận rộn là thế nhưng chị vẫn thay anh sắp xếp thời gian đưa các con đi sắm tết. Có những lúc không tránh khỏi những giây phút tủi thân nhưng chị Thủy cũng như tất cả các thành viên trong gia đình đều động viên, ủng hộ anh cố gắng công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Con gái lớn của anh chị là cháu Trần Anh Thơ năm nay 10 tuổi dường như hiểu chuyện. Mỗi lần bố điện thoại về, Anh Thơ luôn là người chủ động hỏi thăm sức khỏe của bố. “Bố và đồng đội đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù bố không cùng gia đình mình đón tết bên nhau nhưng con vẫn vui và tự hào về bố. Con muốn sau này khi con lớn, con được ra thăm đảo nơi bố công tác, được đón tết cùng với đồng đội của bố” - Anh Thơ tâm sự.

Chị Hoàng Thị Thủy luôn giữ những lá thư chồng gửi về từ đảo như vật kỷ niệm vô giá.

Cũng là người yêu lính đảo, có những khi chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Cao Bạt Nam, xã Đình Phùng (Kiến Xương) thoáng chút tủi thân, giận hờn... nhưng những cảm xúc ấy qua nhanh, chỉ còn lại trong chị nỗi nhớ về người bạn đời của mình. Chồng chị là Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa). Đây là cái tết thứ hai chị và con gái phải xa anh. Chị Hồng tâm sự: Ngày tết, có chồng ở nhà sẽ vui hơn, đầm ấm hơn nhưng từ khi yêu anh, biết anh là bộ đội, tôi đã biết phải hy sinh, chờ đợi. Để anh yên tâm cùng đồng đội làm nhiệm vụ, nếu có liên lạc với anh tôi cũng chỉ kể những câu chuyện hàng ngày của hai mẹ con. Ngày trước, khi con còn nhỏ, có khi cháu đau ốm tôi cũng không dám nói ra vì sợ chồng mình lo lắng. Năm nay gia đình tôi đón tết ở nhà mới, có anh thì vui lắm.

Với chị Hồng, anh Đức là người hiền lành, thật thà, sống tình cảm. Mỗi lần anh gọi điện thoại về cho chị và con gái, anh vẫn kể cho hai mẹ con nghe về đảo, về tết ở đảo khác với đất liền thế nào... Năm nay cũng vậy, anh và đồng đội sẽ được đón tết rất chu đáo. Những chuyến tàu chở quà tết từ đất liền ra với đảo từ rất sớm với đủ đầy các sản vật từ các vùng, miền. Cùng với nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét, thực phẩm tươi sống còn có cả những món quà ý nghĩa từ hậu phương trao gửi. Những tình cảm, niềm tin ấy là động lực cho các anh có thêm nghị lực, vượt qua mọi gian khó, vượt qua cảm giác nhớ nhà để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ai cũng nhớ, cũng thương, cũng mong được đoàn viên nhưng đều thầm hẹn mùa xuân sau...

“Làm vợ lính cũng thú vị lắm, nhất là những người vợ làm giáo viên như tôi. Mỗi câu chuyện của chồng về Trường Sa thân yêu, chúng tôi lại góp thêm vào trang giáo án những kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc để trao truyền cho các em học sinh thân yêu tình yêu người lính, tình yêu biển, đảo thiêng liêng. Các anh cứ yên tâm bám biển, bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ, hậu phương luôn vững vàng, chờ đón các anh về...” - chị Hồng chia sẻ thêm.

Thời điểm này, chị Ngô Thùy Dương, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) lại tất bật với công việc kinh doanh. Theo chị Dương, do gia đình có truyền thống buôn bán nên hàng ngày chồng chị - Đại úy Nguyễn Lê Hùng, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân luôn là người chủ động gọi điện về gia đình. Năm ngoái anh được nghỉ phép về quê ăn tết cùng gia đình. Đó là cái tết trọn vẹn sum vầy sau 2 năm anh đón tết ngoài đảo. Thấu hiểu tình yêu, sự vất vả, hy sinh của vợ, anh luôn dành cho chị những lời động viên, thăm hỏi chu đáo. Trong những ngày phép ngắn ngủi, anh đỡ đần chị mọi việc lớn nhỏ, dành thời gian chơi đùa với con. Năm nay, anh đang chuẩn bị cho chuyến hành trình ra nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông (quần đảo Trường Sa).

Chị Dương nhớ lại lần chồng về phép đầu tiên: Khi ấy con trai tôi được 3 tuổi nhưng muốn bế con vào lòng thì phải mất gần một ngày anh ấy mới làm quen được với cháu. Khi quen rồi thì con cứ quấn quýt lấy bố làm tôi ứa nước mắt. Vì vậy, tôi có nói với anh là ở nhà hai mẹ con chăm sóc nhau và làm tốt mọi việc để anh yên tâm công tác. Ngược lại, anh phải cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là tạo thêm niềm tin, động lực cho em và con vươn lên...

Không chỉ có chị Thủy, chị Hồng, chị Dương mà với hầu hết những người vợ lính, cuộc sống hàng ngày dẫu còn nhiều khó khăn, niềm vui đoàn tụ, sum vầy ngày tết của các chị hiếm khi được trọn vẹn nhưng họ vẫn nỗ lực làm tốt mọi trách nhiệm của cả người vợ, người mẹ, người cha để nơi đảo xa, các anh - những người lính biển thêm vững vàng tay súng, giữ mùa xuân bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Tất Đạt