Thứ 3, 26/11/2024, 00:44[GMT+7]

Quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường

Thứ 7, 02/02/2019 | 09:55:43
2,239 lượt xem

Đoàn viên thanh niên Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới.

Một mùa xuân mới lại đến với niềm vui và vận hội mới. Đứng trước những thách thức về kinh tế - xã hội, Thái Bình được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố kinh tế phát triển khá và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thành công này có đóng góp không nhỏ của ngành Tài nguyên và Môi trường, một ngành quản lý 8 lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh. Trước thềm năm mới, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Khánh về một số vấn đề đã và đang đặt ra với toàn ngành.Một mùa xuân mới lại đến với niềm vui và vận hội mới. Đứng trước những thách thức về kinh tế - xã hội, Thái Bình được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố kinh tế phát triển khá và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thành công này có đóng góp không nhỏ của ngành Tài nguyên và Môi trường, một ngành quản lý 8 lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh. Trước thềm năm mới, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Khánh về một số vấn đề đã và đang đặt ra với toàn ngành.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội đã đề ra. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Thái Bình trong năm qua?


Ông Nguyễn Xuân Khánh: Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Chúng tôi luôn tâm niệm, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Tài nguyên và Môi trường là phải quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, lĩnh vực quản lý đất đai: tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát sử dụng hiệu quả đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thái Bình, xây dựng bản đồ Atlas tổng hợp; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020 tỉnh Thái Bình. Thực hiện các nội dung công tác để tạo quỹ đất sạch có quy mô, có giá trị phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn và biển đảo: tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai tỉnh Thái Bình; tăng cường tuyên truyền pháp luật biển đảo; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Thái Bình... Lĩnh vực quản lý môi trường: tiếp tục mục tiêu quản lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh theo định hướng ngày càng nâng cao tỷ lệ tái sử dụng, tái chế và giảm tỷ lệ chôn lấp, hướng tới một hệ thống quản lý bền vững, phục vụ cho nền kinh tế phát triển và phát thải ít carbon. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường...


Phóng viên: 
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Sở đã tạo được niềm tin từ phía doanh nghiệp và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết những kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường trong năm qua?


Ông Nguyễn Xuân Khánh: Về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Sở xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành, công bố các TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; tổ chức công khai các TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia thực hiện các TTHC công. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo Sở, các đơn vị thuộc Sở và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Năm 2018, Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh công bố 96 TTHC và đều được chuẩn hóa theo đúng TTHC mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố và quy định tại nghị định, thông tư có liên quan. Rà soát, đưa 17 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và 16 thủ tục lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện thực hiện nộp hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện 6 thủ tục giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; chế độ báo cáo kết quả kiểm soát định kỳ được đơn vị chấp hành nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại trung tâm hành chính công bảo đảm chất lượng, đúng thời gian theo quy định. Yêu cầu cán bộ tiếp nhận và trả kết quả ngoài thực hiện đúng các quy định còn phải hướng dẫn thực hiện tận tình, ân cần và chu đáo.


Phóng viên: Hiện nay, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đang được tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở đã có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả?


Ông Nguyễn Xuân Khánh: Năm 2019 được xác định vẫn là một năm tiếp tục khó khăn của nền kinh tế, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Sở Tài nguyên và Môi trường với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng sẽ chủ động đề ra những chương trình, giải pháp hành động cụ thể.


Lĩnh vực quản lý đất đai: tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát sử dụng hiệu quả đất đai; rà soát tổng hợp các danh mục công trình có sử dụng đất lúa, danh mục công trình phải thực hiện thu hồi đất, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Tham mưu tỉnh chỉ đạo thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019. Chủ trì tham mưu tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận.


Lĩnh vực quản lý môi trường: tiếp tục mục tiêu quản lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh theo định hướng ngày càng nâng cao tỷ lệ tái sử dụng, tái chế và giảm tỷ lệ chôn lấp, hướng tới một hệ thống quản lý bền vững, phục vụ cho nền kinh tế phát triển và phát thải ít carbon. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các điểm nóng, bức xúc về môi trường; kiểm tra sau đánh giá tác động môi trường, thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải.


Lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn và biển đảo: tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai tỉnh Thái Bình; tăng cường tuyên truyền pháp luật biển đảo.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: tập trung xây dựng chương trình thanh tra có trọng tâm, trọng điểm vào những nội dung có nhiều ý kiến, kiến nghị của công dân; thực hiện tốt chương trình kiểm tra hàng năm, phát hiện, xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản. Làm tốt việc tiếp công dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Sở và các vụ việc được UBND tỉnh giao, không để đơn thư thuộc thẩm quyền tồn đọng. Tích cực phối hợp với cơ sở nắm bắt thông tin, giải quyết các kiến nghị về đất đai, khoáng sản ngay tại cơ sở, tạo sự đồng thuận trong giải quyết, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Duy trì hoạt động đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường các cấp; trong đó, chú trọng các chuyên đề về tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, đề nghị liên quan đến quản lý đất đai và khoáng sản.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Nguyệt

(Thực hiện)