Thứ 2, 25/11/2024, 07:06[GMT+7]

“Đi trước mở đường”

Thứ 7, 02/02/2019 | 10:02:00
1,675 lượt xem
Xác định hệ thống giao thông luôn phải đi trước một bước, những năm qua, mạng lưới giao thông của Thái Bình đã có nhiều đổi mới, phát triển đồng bộ, góp phần làm cho diện mạo của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, mạng lưới giao thông của Thái Bình đã và đang từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2018 ngành Giao thông Vận tải đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý, khai thác hệ thống giao thông trên địa bàn. Thực hiện tốt là cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về giao thông vận tải. Triển khai, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng đường bộ. Kịp thời duy tu, sửa chữa mạng lưới tỉnh lộ và quốc lộ ủy thác, bảo đảm giao thông thông suốt, liên tục trong mọi tình huống. Vận tải hàng hóa, hành khách phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế và sự đi lại của nhân dân.


Năm 2018, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng theo kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 các dự án lớn như: xây dựng mới tuyến đường bộ ven biển, đường Thái Bình - Hà Nam giai đoạn 2 từ nút giao quốc lộ 10 đến tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc qua ba tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, đường ĐT.454 (đường 223 cũ) từ cầu Báng đến đường ĐT.453 (đường 226 cũ), tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên và cầu La Tiến... Ngoài ra, tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã triển khai một số dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39 đoạn Triều Dương - Hưng Hà và đoạn Vô Hối - Diêm Điền thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.


Cùng với việc quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, lĩnh vực vận tải và an toàn giao thông tiếp tục được bảo đảm. Các tuyến xe khách chất lượng cao duy trì hoạt động ổn định, chất lượng vận tải hành khách ngày càng tốt hơn. Các tuyến xe buýt, taxi đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân nội tỉnh, góp phần giảm bớt phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Nhờ đó mà tai nạn giao thông năm sau giảm so với năm trước cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.


Công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện tốt và duy trì nền nếp qua công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Năm 2018, bộ phận một cửa của Sở Giao thông Vận tải tại Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhận hơn 16.000 hồ sơ kiến nghị giải quyết thủ tục hành chính (chiếm trên 25% tổng số hồ sơ được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh). Các thủ tục hành chính được công khai theo quy định tại bộ phận một cửa và trên website của tỉnh. Thực hiện và giải quyết công việc trên mạng văn phòng điện tử liên thông; tiếp tục nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO: 9001 - 2015 vào hoạt động hành chính.

Thi công cầu La Tiến.


Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, ngành Giao thông Vận tải tiếp tục bám sát quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh trong tỉnh và khu vực. Thực hiện tốt công tác quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện có. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành chức năng tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư theo các hình thức: PPP, BOT, BT, BTO... Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng để sửa chữa, bảo trì mạng lưới giao thông. Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng vận tải và dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của toàn xã hội...

Phạm Quang Đức

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải)