Thứ 6, 22/11/2024, 20:58[GMT+7]

Điều hành ngân sách linh hoạt đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ 7, 02/02/2019 | 10:09:08
968 lượt xem

Kết thúc năm 2018, ngành Tài chính tiếp tục ghi dấu ấn bởi thành công trong hoạt động với các chỉ tiêu thu, chi ngân sách đều hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Điều đó đã khẳng định hiệu quả trong công tác điều hành ngân sách, từ đó tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trước thềm xuân mới Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính về những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Phóng viên: Xin Tiến sĩ cho biết những kết quả nổi bật ngành Tài chính đạt được trong năm 2018?


Tiến sĩ Tạ Ngọc Giáo: Năm 2018, hoạt động của ngành Tài chính gặp rất nhiều khó khăn: trung ương giao dự toán cao hơn khả năng thực hiện, dư địa nguồn tăng thu nội địa tại địa phương cơ bản không còn, một số nguồn thu lớn trên địa bàn sụt giảm… trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư và thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức toàn ngành, ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến ngày 31/12/2018, tổng thu ngân sách địa phương (bao gồm cả ghi thu, ghi chi và thu chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018) đạt 14.894,2 tỷ đồng, tăng 28% so với dự toán. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.380 tỷ đồng, tăng 15,7% so với dự toán với số tuyệt đối tăng 1.138,5 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 7.106,5 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.273,5 tỷ đồng, tăng 50% so với dự toán. Đặc biệt, thu tiền sử dụng đất đạt 1.598,7 tỷ đồng, vượt 398,7 tỷ đồng so với dự toán được giao. Những kết quả đó là tiền đề giúp tỉnh bảo đảm được cân đối thu, chi ngân sách năm 2018, giảm nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi trong dự toán cũng như các khoản bổ sung ngoài dự toán theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Không chỉ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), các nhiệm vụ chi cũng được thực hiện đầy đủ, bảo đảm đúng chính sách, chế độ quy định, đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến ngày 31/12/2018, tổng chi ngân sách địa phương (bao gồm cả ghi thu, ghi chi) đạt 12.256,77 tỷ đồng, đạt 105,1% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 5.206,98 tỷ đồng, tăng 13,4% so dự toán, với số tuyệt đối tăng 616,2 tỷ đồng và chi thường xuyên đạt 6.702,6 tỷ đồng.


Phóng viên: Để có được những kết quả đó, ngành Tài chính đã đổi mới như thế nào trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách, thưa Tiến sĩ?


Tiến sĩ Tạ Ngọc Giáo: Đến hết 6 tháng đầu năm 2018, tổng thu nội địa mới chỉ đạt được 38,6% dự toán. Kết thúc năm 2018, đạt được mức tổng thu nội địa tăng 11% so với dự toán (như vậy số thu trong 6 tháng cuối năm tăng gần gấp đôi so với số thu trong 6 tháng đầu năm) là sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính. Cùng với việc chỉ đạo sát sao, quyết liệt, có hiệu quả, ngành Tài chính còn nắm bắt tiến độ thu, từng khoản thu đã có địa chỉ và đã có nguồn thu để đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN. Bên cạnh đó, ngành Tài chính còn tiếp tục duy trì có hiệu quả cơ chế linh hoạt trong điều hành ngân sách theo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, trên cơ sở đó đáp ứng được những nhu cầu, nhiệm vụ cấp bách, huy động nguồn lực kịp thời nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển...; đồng thời, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trung ương và tỉnh ban hành, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các chế độ bảo trợ, chế độ bảo hiểm cho các hộ nông dân bị thu hồi đất, hỗ trợ tiền ăn cho các cháu dưới 5 tuổi, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... Ngoài ra, ngành Tài chính còn thực hiện đổi mới công tác chỉ đạo thu NSNN, nhất là trong những tháng cuối năm; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa ban chỉ đạo thu NSNN các cấp, Cục Thuế tỉnh và các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các giải pháp thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán ở mức cao nhất.


Phóng viên: Từ công tác điều hành ngân sách năm 2018, xin Tiến sĩ cho biết, ngành Tài chính đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành?


Tiến sĩ Tạ Ngọc Giáo: 
Thực tiễn công tác điều hành ngân sách năm 2018 cho thấy, nếu không có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, quyết liệt ngay từ đầu năm và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thì không thể đạt được kết quả đó. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho tỉnh Thái Bình nói chung và ngành Tài chính nói riêng trong công tác điều hành ngân sách, đó là phải chỉ đạo sát sao, quyết liệt đồng thời thực hiện kiểm đếm, nắm bắt tiến độ thu, từng khoản thu đã có địa chỉ và đã có nguồn thu để đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN, từ đó bảo đảm cân đối ngân sách, đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phóng viên: Năm 2019, tỉnh Thái Bình được giao dự toán thu NSNN 13.223,1 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương 10.687,5 tỷ đồng. Vậy ngành Tài chính đã có kế hoạch gì để hoàn thành mục tiêu dự toán đó, thưa Tiến sĩ?


Tiến sĩ Tạ Ngọc Giáo: Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách được giao, ngay từ những ngày đầu của năm 2019, ngành Tài chính đã phát động cán bộ, công chức toàn ngành thực hiện tốt các phong trào thi đua nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra theo từng tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2019 bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, rút ngắn các thủ tục hành chính cho người trúng đấu giá làm cơ sở thu nộp ngân sách. Ngoài ra, ngành Tài chính cũng tiếp tục thực hiện cơ chế linh hoạt trong điều hành ngân sách, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành ngân sách các cấp chính quyền địa phương, phấn đấu hoàn thành dự toán ở mức cao nhất, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện vượt mức, toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Minh Hương

(thực hiện)