Thứ 3, 23/07/2024, 17:30[GMT+7]

Một đời đam mê rối nước

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:30:54
3,333 lượt xem
Đến với múa rối nước bằng niềm đam mê, 44 năm qua, ông Nguyễn Bá Thắng, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đã gắn bó và dành hết tâm huyết để giữ gìn, phát triển nghệ thuật múa rối nước. Ghi nhận đóng góp của ông cho môn nghệ thuật truyền thống, ông đã được phong danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” và đang trình xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”.

Say nghề, sống với đam mê

74 tuổi, độ tuổi đáng lẽ được an nhàn, nghỉ ngơi nhưng ông Thắng vẫn đi khắp các tỉnh, thành phố để biểu diễn múa rối nước. Mặc cho những khó khăn, vất vả khi phải trầm mình dưới nước 2 - 3 giờ/ngày bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét, người nghệ nhân ưu tú ấy vẫn mong được “Góp gom một chút nắng tàn/Chỉ mong nghề rối huy hoàng ngày sau”. Mỗi lần được cầm dây giật rối, nhìn thấy ánh mắt háo hức của khán giả, tiếng vỗ tay sau mỗi tích trò biểu diễn, ông lại thấy cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Thắng chia sẻ: Là người đam mê nghệ thuật sân khấu nên năm 1975, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi tham gia đội chèo của làng Nguyễn và bén duyên với nghiệp rối nước từ ấy. Đến năm 1990, tôi được bầu làm phó phường rối nước xã Nguyên Xá. Từ đó, tôi luôn đặt ra cho mình trách nhiệm phải giữ gìn, bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Là thành viên phường rối nước, tôi vừa tham gia biểu diễn vừa kiêm luôn việc chế tác quân và máy điều khiển quân rối.

Sống với đam mê, ông Thắng luôn trăn trở làm sao múa rối nước đón nhận nhiều hơn sự quan tâm từ phía khán giả. Vì thế, ngoài việc bảo lưu, diễn 32 tích trò cổ của phường rối nước xã Nguyên Xá, ông Thắng còn sáng tạo, phát triển thêm tích trò đu. So với tích trò cổ, tích trò đu mới do ông sáng tác và đạo diễn có 3 quân rối thực hiện động tác đu. Đây là tích trò đòi hỏi kỹ thuật cao, người đạo diễn phải hướng dẫn cho diễn viên trình bày đúng ý tưởng của mình. Sự đa dạng về quân rối cùng với kịch bản hài hước do ông Thắng sáng tác đã tạo nên điểm hấp dẫn cho tích trò. Khi tham gia liên hoan múa rối nước toàn quốc năm 1994 và biểu diễn trong tỉnh năm 2000, tích trò đu đã đạt huy chương vàng.

Những chế tác đầy tâm huyết

Nhắc đến những quân rối nước mới của xã Nguyên Xá, nhiều nghệ nhân phường rối nước xã Nguyên Xá chia sẻ, ông Thắng là người có công lớn trong việc tìm ra chất liệu mới để chế tác các quân rối. Xưa kia, các cụ cao niên phường rối vẫn sử dụng gỗ sung để chế tác quân rối bởi loại gỗ này nhẹ, rẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của gỗ sung là dễ hỏng, mục do thường xuyên phải ngâm nước và bị mối mọt. Sau bao ngày trăn trở, suy nghĩ, ông Thắng đã nghĩ ra vật liệu thay thế gỗ sung là cao su xốp. Đây là vật liệu khá phù hợp để chế tác rối vì cao su xốp nhẹ, bền, rẻ và không bị mối mọt, ngấm nước. Giá thành tạo nên một quân rối cũng chỉ bằng 2/3 so với việc làm quân rối bằng gỗ. Vì thế, ngay khi đưa ra ý tưởng của mình và chứng minh hiệu quả bằng sản phẩm thật, quân rối nước bằng cao su xốp của ông Thắng đã được mọi người tin dùng. Hiện ông đã chế tác 20 quân rối đem đi biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) và đang hoàn thiện 10 quân rối khác. Cùng với việc chế tác quân rối, ông Thắng cũng đã tự mày mò, nghiên cứu máy điều khiển quân rối. Thông thường, để điều khiển một quân rối dây phải có 3 người gồm người điều khiển đầu, người điều khiển tay và người giữ thăng bằng cho rối. Thế nhưng, khi có máy điều khiển, một quân rối chỉ cần hai người. Những sáng kiến của ông Thắng đã giúp phường rối tiết kiệm được chi phí chế tác và nhân lực khi biểu diễn các tích trò.

Sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ

44 năm gắn bó với múa rối nước, dù không phải là nghệ nhân có tuổi nghề cao nhất trong phường nhưng ông Thắng lại là người nắm vững và biết nhiều kỹ thuật múa rối từ đời xưa truyền lại. Không giấu nghề và truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, ông Thắng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ nếu có niềm đam mê và muốn gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống này. Từ năm 2000 đến nay, ông đã dạy cho hàng chục người biết điều khiển quân rối, có khi là những cháu học sinh đang học cấp I. Từ lớp đào tạo của ông, nhiều người trẻ trong xã đã có thể tham gia biểu diễn.

Ông Thắng cho biết thêm: Múa rối nước bằng dây khó hơn bằng sào và đòi hỏi phải có kỹ thuật cao do nghệ nhân điều khiển các con trò qua hệ thống dây nối chằng chịt chìm dưới lòng nước. Muốn theo nghệ thuật múa rối nước, ngoài năng khiếu cần phải có lòng yêu nghề, niềm đam mê và sự kiên trì. Không có các yếu tố này thì khó theo và gắn bó lâu dài với múa rối nước được bởi việc biểu diễn vất vả mà thu nhập lại thấp. Hiện nay, điều tôi thấy vui là lớp trẻ trong xã đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm biểu diễn. Các cháu muốn học, tôi sẵn sàng chia sẻ.

Dù đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật múa rối nước song nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Thắng vẫn nghĩ rằng việc làm của mình chưa đủ, chia sẻ tâm sự qua những vần thơ, ông viết: “Có gì mà kể công lao/Xin làm giọt nước góp vào biển Đông”. Niềm đam mê rối nước vẫn chưa hề phai nhạt trong người nghệ nhân già, ông đang ấp ủ xây dựng một mô hình múa rối nước thu nhỏ với sân khấu và những quân rối mới để có thể biểu diễn ở mọi nơi, mọi lúc cho nhiều người được thưởng thức loại hình văn hóa độc đáo này.

Như Hoàng
 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày