Thứ 6, 10/01/2025, 10:27[GMT+7]

Chè Mét, đậm đà vị quê hương

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:34:28
13,666 lượt xem
“Muốn ăn cơm tám cá mè/Thì về chợ Mét hái chè cùng anh” - câu ca ấy thể hiện sức hấp dẫn và tinh túy riêng của chè Mét, xã Việt Thuận (Vũ Thư).

Là địa phương nổi tiếng là đất trồng chè, bao năm nay, bà con trong xã vẫn duy trì và phát triển nghề trồng chè truyền thống. Đối với người dân nơi đây, chè không chỉ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp họ giữ được nghề lâu đời cha ông để lại, phát huy được những giá trị tốt đẹp của quê hương.

Không ai biết cây chè xuất hiện trên đất Việt Thuận tự bao giờ. Các cụ cao niên trong xã chỉ nói rằng, cây chè bén duyên với vùng đất này từ rất lâu đời được gọi là chè cổ Việt hay chè Mét (theo tên làng của xã). Trồng chè đã trở thành nghề truyền thống và được duy trì cho đến tận ngày nay.

Gia đình ông Đỗ Công Y, thôn Bình Chính là một trong những hộ trồng chè lâu năm và có nhiều kinh nghiệm tại xã Việt Thuận. Theo ông Y, thời gian cho thu hoạch chè kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 10 hàng năm nhưng để nâng cao năng suất, chất lượng chè thì người trồng cần nắm rõ quy trình phát triển của cây chè và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây. Cây chè có sức chống chịu thời tiết khá tốt và có thể phục hồi rất nhanh sau mưa. Nhờ những kiến thức khá vững về chăm sóc, phát triển chè mà mỗi vụ gia đình ông thu nhập trên 5 triệu đồng.

Cũng là hộ trồng chè lâu năm, gia đình bà Đinh Thị Đức trồng 1,5 sào chè. Bà cho biết: Xã có đất đai phù hợp và truyền thống trồng chè từ lâu nên người dân rất thuận lợi trong việc chăm sóc chè cũng như phòng, trừ các loại sâu bệnh. Thông thường, gia đình bà đào đất ở gốc cây rồi đổ phân xuống, sau đó lấp đất, ủ hoai mục. Mỗi năm chỉ cần làm cỏ cho vườn chè từ 1 - 2 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây ngô, cây lúa... Cây chè không cho thu nhập quá cao nhưng rất ổn định. Mỗi vụ chè gia đình bà cũng thu được 1,5 tạ lá. Với giá bán 25.000 đồng/kg, vụ chè vừa rồi thu nhập gần 4 triệu đồng.

Chè Mét cứ tự nhiên đi sâu vào trong đời sống của người dân trong làng và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt, đó là một thứ nước uống hàng ngày đồng thời là nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân Việt Thuận. Uống chè không phải đơn thuần là để giải khát mà nó đã trở thành một nghi thức trong giao tiếp. Người ta mời nhau chén nước chè còn là để bắt đầu một lời tâm sự hay để bàn chuyện gia đình, xã hội, đàm luận văn chương...Theo các nhà khoa học, uống chè còn giúp cho tinh thần hưng phấn, tăng cường trí nhớ, xua tan mệt mỏi, tốt cho tiêu hóa... Uống chè thường xuyên có thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tăng cường sức khỏe, chống lão hóa.

Năm nay đã ngoại tứ tuần nhưng chị Phạm Thị Mây, thôn Việt Tiến vẫn nhớ như in hình ảnh thời thơ ấu với những buổi cả gia đình chị ngồi quây quần cùng nhau thưởng thức vị chè xanh. Ngày ấy rất hiếm nhà có đài radio nên mọi người đều tập trung tại một địa điểm để nghe những chương trình phát thanh đặc sắc. Các chị, các mẹ cẩn thận múc từng gáo chè xanh, san đều ra các bát sứ, chuyền tay nhau trân trọng, mộc mạc, giản dị mà thấm đẫm tình người. Ngày nay, người dân Việt Thuận vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt truyền thống, chỉ khác bây giờ người ta thường uống chè bằng chén chứ không phải bằng bát như xưa.

Theo người dân nơi đây, muốn chè ngon, ngọt vị, phải chọn lá bánh tẻ, dày, giòn. Nếu chọn lá già, nước sẽ đắng, lá non nước đỏ và chát. Trước khi nấu chè phải rửa sạch lá chè 2 - 3 lần sau đó vẩy cho lá chè tương đối ráo nước rồi lấy tay vặn thành 2 phần cho dập lá chè để khi pha hoặc nấu vị của lá chè tan vào trong nước. Nước đun sôi nóng đổ vào lá chè, khuấy đều rồi lại đổ đi coi như tráng một lần trước khi uống sau đó lại đổ nước sôi chờ khoảng 30 - 35 phút rồi rót chè ra thưởng thức. Nếu như mùa hè chè có tác dụng giải khát, là món quà quý của người nông dân sau khi đi làm đồng về thì mùa đông những chén chè nóng lại khiến người dân rất ấm lòng. Vị của chè Mét rất đặc biệt, hơn hẳn các nơi khác bởi mùi thơm và ngọt đặc trưng của vùng đất sông Hồng bên lở bên bồi. Uống xong chén nước chè, vị ngọt còn đọng mãi nơi đầu lưỡi.

Việt Thuận là xã có nhiều diện tích trồng chè nhất huyện Vũ Thư. Toàn xã hiện có 1.200 hộ trồng chè với tổng diện tích 70ha, tập trung ở các thôn: Việt Hùng, Việt Tiến, Trung Hòa, Bình Chính, Việt Cường. Có những cây chè tuổi đời lên đến hơn 100 năm, cây ít nhất cũng đã mấy chục tuổi, cứ hái hết đợt này cây cho lá đợt sau. 

Theo tính toán của nhiều hộ trồng chè ở địa phương, chè được giá nhất là vào dịp tết Nguyên đán. Thời điểm đầu mùa đông giá chè sẽ bắt đầu tăng. Cao điểm nhất chè sẽ có giá 50.000 đồng/kg. Chè được thương lái đến mua tại vườn nên người dân rất yên tâm về đầu ra. Hiện nay, chè Mét có mặt ở khắp nơi, từ nông thôn tới thành thị với chất lượng ngon, lá chè sạch, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Thuận và con em xa quê.

Ông Bùi Công Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thuận cho biết: Để người dân tiếp tục gắn bó với cây chè và nâng cao chất lượng, thương hiệu “chè Mét”, xã đã và đang có những biện pháp tích cực cải tạo, đầu tư kỹ thuật, hướng dẫn bà con phát triển trồng chè. Cùng với đó, xã sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ các hộ trồng chè tại địa phương.

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Việt Thuận. Đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Những ngôi nhà khang trang, mang dáng dấp hiện đại ẩn khuất trong màu xanh của những vườn chè, tạo nên một bức họa đồng quê xinh đẹp. Nắng xuân đọng lại trong ánh mắt lấp lánh và nụ cười e ấp của cô thôn nữ hái chè làm cho vùng đất trồng chè trăm tuổi này như trẻ lại. Và trồng chè sẽ mãi là nghề truyền thống làm giàu làm đẹp cho vùng quê nông thôn mới.

Thu Trang