Thứ 7, 23/11/2024, 09:34[GMT+7]

Khúc nhạc xuân trên làng nghề truyền thống

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:59:22
1,897 lượt xem
Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các làng nghề truyền thống ở Kiến Xương cũng chạy đua với thời gian để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, phục vụ nhu cầu thị trường. Không khí xuân đã ngập tràn khắp các đường làng ngõ xóm, nhà nhà tất bật, nhộn nhịp, hối hả để kịp mang đến những sản vật đặc sắc trong những ngày tết.

Về làng nghề chạm bạc Đồng Xâm những ngày cuối năm đâu đâu cũng nghe thấy tiếng búa gõ, đục, đẽo, chạm trổ... Nghệ nhân nhân dân Phạm Văn Nhiêu chia sẻ: Thời điểm này, không khí làm việc trong các tổ nghề hết sức khẩn trương bởi cuối năm là thời điểm bán chạy hàng nhất của làng. Để có được hàng hóa bán vào dịp này, bà con làng nghề phải làm quanh năm, vì thế làng nghề không phải lo về việc làm, đầu ra sản phẩm mà chỉ lo không có lao động để làm. Trước đây khi còn cơ chế bao cấp, nhà nước giao kế hoạch, người dân chỉ việc làm theo nhưng từ khi phát triển theo cơ chế thị trường thì mỗi người trong làng nghề lại có hướng đi riêng, do đó sản phẩm rất đa dạng. Bất kỳ sản phẩm gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được, từ vàng, bạc, đồng đều làm theo nhu cầu của thị trường. Từ các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như hàng trang sức của già, trẻ, trai, gái và các dân tộc trên mọi vùng miền đến việc trang trí nội thất cho chùa Bái Đính (Ninh Bình)... nên làng nghề vẫn luôn giòn tiếng búa. Những người như ông sống với nghề cả một đời nên cũng vì nghề cả một đời. Ngoài giỏi nghề, sáng tác ra nhiều mẫu mã thì những nghệ nhân như ông còn phải là người giữ lửa cho làng nghề. Vì thế, mặc dù ngày nay có rất nhiều máy móc công nghệ hiện đại nhưng ông và phần lớn người dân trong làng nghề vẫn làm thủ công và nhận nhiều mặt hàng khó để giữ nghề và giữ thương hiệu cho làng nghề.

Đến cơ sở chạm bạc Thái Úy, chúng tôi còn cảm nhận rõ hơn về không khí làm việc gấp gáp ở đây. Anh Tạ Văn Úy, chủ cơ sở cho hay: Càng về cuối năm các đơn đặt hàng càng nhiều do tâm lý mua sắm chuẩn bị cho dịp tết của người Việt. Nhiều gia đình cũng chọn thời điểm này để khánh thành và trang trí nhà cửa nên chúng tôi phải thuê thêm thợ để sản xuất nhanh hơn. Hơn nữa, các mặt hàng ở đây rất phù hợp để trang trí như tranh, đồ thờ, linh kiện đồng hồ, mỗi loại tôi làm hàng trăm sản phẩm song tới thời điểm này cũng đã hết hàng. Nghề này quan trọng nhất là phần chạm, ăn nhau là ở khâu này nên tôi vẫn duy trì làm thủ công. Nếu dùng máy ép thì ngày có thể ra hàng trăm bức tranh nhưng nếu làm thủ công thì mấy người làm vài ngày mới được một bức. Người tiêu dùng nếu không tinh sẽ mua phải hàng ép bằng máy nhưng cũng không ít khách về tận Đồng Xâm mua để bảo đảm độ tinh tế của sản phẩm.

Là một trong những nghề truyền thống, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Thượng Hiền từ lâu nay nghề mây tre đan đã được biết đến với những sản phẩm độc đáo được tạo ra từ bàn tay khéo léo và tâm huyết của người dân nơi đây. Ông Phạm Ngọc Sào, thôn Văn Lăng vui mừng kể: Đến nay đã hơn 20 năm trong nghề nhưng vẫn rất ấn tượng với nghề này. Từ những cây mây vô hồn nhưng chúng tôi đã làm ra những sản phẩm có giá trị, xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Theo ông Sào, làm nghề mây tre đan có cái hay riêng, sản xuất thành một quy trình khép kín mà ở đó người dân chỉ việc nhập mây ở các tỉnh về đưa vào máy chẻ, vỏ mây dùng để đan ghế, ruột mây để làm hàng hoa, tận dụng hết nguyên liệu. Do đó, người dân trong làng đều có thu nhập ổn định, người làm thuê thấp nhất cũng được 2 triệu đồng/người/tháng, các chủ cơ sở sản xuất cũng được hàng chục triệu đồng.

Người làm nghề đan mây cũng cần độ khéo tay nhưng cũng rất đơn giản đối với người dân ở đây bởi hầu hết họ đều có sẵn tay nghề. Bà Phạm Thị Mỵ, thôn Trung Quý cho biết: Tôi đã biết tới nghề đan mây thủ công từ nhỏ, lớn lên làm tại gia đình nhưng đến nay nhiều người đã áp dụng công nghệ vào làm, do tuổi cao không đi xa được nên tôi đã tới làm cho doanh nghiệp mây tre đan tại địa phương. Ngày làm 8 tiếng, mỗi tháng tôi cũng được 3 triệu đồng nhưng vẫn tranh thủ cấy thêm được mẫu lúa. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và phát triển mây song Tấn Dũng cho biết: Để duy trì và phát triển nghề, Công ty vừa tổ chức làm tại nhà vừa đầu tư dụng cụ sản xuất trong dân với tổng số 30 khung. Ngoài ra Công ty còn cung cấp cây mây giống, ký kết bao tiêu cho các vùng nguyên liệu để nguồn nguyên liệu luôn ổn định.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Ngoan, xã Hồng Thái (Kiến Xương)

Nghề chạm bạc Đồng Xâm có từ hơn 600 năm nay, ngày xưa có sắc vua ban, ngày nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng nghề và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Từ thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã dùng sản phẩm của làng nghề xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Tây Âu nên từ lâu tiếng của Đồng Xâm đã vang dội sang các nước trên toàn thế giới. Sau khi tình hình kinh tế thay đổi, hàng xuất khẩu ít dần, Đồng Xâm đã chuyển hẳn sang làm hàng nội địa. Do đó, làng nghề luôn tạo việc làm cho người dân, mở rộng phát triển sang hai xã cạnh là Lê Lợi và Trà Giang, hình thành một vùng nghề rộng lớn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Từ ngày có nghề chạm bạc tới nay, Đồng Xâm chưa bao giờ ngừng tiếng búa, tạo đủ việc làm cho người lao động.

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền (Kiến Xương)

Mây tre đan là nghề truyền thống có từ lâu đời ở địa phương, từ thời bao cấp địa phương đã có HTX mây tre đan và có trụ sở riêng để sản xuất. Trước năm 1990 làng nghề có 2 doanh nghiệp chuyên về mây tre đan xuất khẩu, sau đó thị trường Đông Âu sụp đổ làng nghề trầm lắng. Để tiếp tục duy trì nghề, người dân Thượng Hiền phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, tự cung ứng hàng hóa nên đến nay nghề mây tre đan vẫn giữ vững với hai dạng chính là làm hàng hoa xuất khẩu và làm mặt ghế. Toàn xã hiện có 2 doanh nghiệp, 35 tổ hợp sản xuất mây tre đan và du nhập thêm nhiều nghề khác như tăm hương, gỗ mỹ nghệ, may mặc. Do đó, 100% lao động ở địa phương có việc làm, đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Chị Lê Hồng Lượm, thôn Hữu Bộc, xã Hồng Thái (Kiến Xương)

Nghề chạm bạc vẫn phát triển ổn định, ngày càng đa dạng sản phẩm với nhiều mặt hàng mới. Bình quân mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất hàng nghìn sản phẩm xuất đi các tỉnh theo đơn đặt hàng của khách hàng. Để có được kết quả đó, tôi luôn tâm huyết với nghề, nghiên cứu, quản lý, nắm được kỹ thuật để làm và đào tạo công nhân. Đặc biệt, làm nghề này đòi hỏi người làm phải có óc thẩm mỹ, tay hội họa, tỉ mỉ, kiên trì mới làm nổi. Vì thế, cơ sở luôn có số lượng lớn khách đặt hàng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, đem lại doanh thu mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng.


Thu Thủy