Thứ 6, 05/07/2024, 12:21[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình - Đậm nét văn hóa độc đáo

Thứ 6, 15/02/2019 | 08:28:59
2,733 lượt xem
Đến với lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra hàng năm tại đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc, tìm hiểu về lịch sử một vương triều mà còn được hòa mình vào những nghi lễ, những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa độc đáo.

Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh đặc sắc, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Các nghi lễ diễn ra với ý niệm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp, mùa màng tốt tươi. Đây không chỉ là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong nông nghiệp phát triển mà còn là nghi lễ tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

Thi cỗ cá là hội thi độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà ngày nay và gắn liền với tổ tiên thời Trần. Hội thi có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa ẩm thực để cho con cháu nhớ về thuở hàn vi của nhà Trần làm nghề chài lưới. Chính vì gắn bó với sông nước nên các vị tiên tổ nhà Trần ghép tên mình với các loại cá như: Trần Kinh - cá kình; Trần Hấp - cá trắm; Trần Lý - cá chép; Trần Thừa - cá nheo; Trần Thị Dung - cá ngừ... Cá dùng để làm cỗ trong hội thi là loại cá to, được nuôi từ đầu năm, khi bắt cá không được trật vẩy, gẫy đuôi, gẫy vây, cá làm cỗ được để nguyên vẩy. Cỗ cá có 2 loại: cỗ cá đơn và cỗ cá kép, được bày trang trọng trên giá, mỗi giá có 8 vổ, mỗi vổ gồm có cá chép, cá mè, cá trắm, giò, chả, nem, mọc...

Thi kéo lửa nấu cơm, trong 30 phút, từ những nguyên vật liệu được chuẩn bị trước, các đội tham gia phải trải qua các bước: buộc quang tre, cho gạo vào niêu, gánh niêu nấu cơm. Căn cứ thời gian nấu cơm, chất lượng cơm và cách trang trí, ban giám khảo sẽ trao giải cho các đội tham gia. Hội thi nhằm tái hiện lịch sử quân và dân ta vừa hành quân vừa nấu cơm trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Thi pháo đất là trò chơi có lịch sử lâu đời và gắn liền với vùng quê sông nước Thái Bình. Theo các cụ cao niên kể lại: năm 1285, trên đường đi đánh trận Bạch Đằng chống quân Nguyên, voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy ở bãi sông Hóa. Để cứu voi, nhân dân quanh vùng đã cùng với quân lính vác đất ném xuống bãi lầy đắp đường cho voi lên. Để tưởng nhớ đến voi thần và vị tướng tài đức của vương triều Trần, hàng năm, vào những ngày đầu năm mới, nhân dân lại cùng nhau diễn lại cảnh tung đất cứu voi xưa. Thi pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ, được nhân dân Hưng Hà duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ.

Ngọc Mai