Thứ 6, 22/11/2024, 22:05[GMT+7]

Đấu tranh với hiểm họa ma túy tổng hợp

Thứ 5, 21/02/2019 | 08:46:58
3,728 lượt xem
Sử dụng ma túy tổng hợp làm suy giảm sức khỏe, gây nghiện, người sử dụng nhiều gây ra ảo giác, loạn thần. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ án chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, giết người, hủy hoại tài sản... Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Lực lượng công an thu giữ ma túy tổng hợp.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì ma túy tổng hợp trước đây phổ biến là methamphetamin (hồng phiến, ice), thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều loại chất mới như: ketamin (bột ke), LSD, dymethylamphetamin, benzulpiperazin, doet với nhiều mẫu mã, lô gô rất bắt mắt. 

Tại Thái Bình, đã xuất hiện methamphetamin (ma túy đá), ecstasy (thuốc lắc, kẹo, xì cọp, thuốc điên), một số các chất “hàng cỏ” (tên gọi chung các loại thảo mộc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ chứa chất hướng thần) gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Ma túy tổng hợp ngoài việc gây ảo giác mạnh, làm người sử dụng mất kiểm soát về hành vi, dẫn đến thực hiện các hành vi nguy hiểm như giết người, cố ý gây thương tích, hoặc tự hủy hoại bản thân, quan hệ tình dục bừa bãi, nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh xã hội như HIV, viêm gan B...; gây tác hại rất lớn cho hệ thần kinh và sức khỏe người sử dụng, đặc trưng là nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp kịch phát, rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... Ma túy tổng hợp có thể gây nghiện gấp nhiều lần so với thuốc phiện và hêrôin, việc cai nghiện cũng rất khó khăn, tốn kém và thường phải điều trị tâm thần trong thời gian dài.

Những năm gần đây, tình hình sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, chủng loại ma túy.  Qua công tác đấu tranh cho thấy: trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tình trạng mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, có xu hướng dần thay thế ma túy truyền thống như hêrôin. 

Theo thống kê một số năm gần đây, số vụ án ma túy tổng hợp chiếm khoảng 40% tổng số vụ bắt giữ, lượng ma túy tổng hợp tăng gấp nhiều lần các năm về trước, chủng loại cũng đa dạng hơn. 

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng công an bắt hơn 150 vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy tổng hợp, thu hơn 30kg và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các lực lượng công an bắt 50 vụ, thu giữ hơn 20kg ma túy tổng hợp. 

Điển hình ngày 15/10/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh bắt quả tang Phạm Đức Khoa, sinh năm 1971, trú tại tổ 22, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình có hành vi vận chuyển trái phép 17,8kg ma túy đá, đây là vụ phát hiện ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ma túy tổng hợp không chỉ tập trung ở thành phố mà cả ở vùng nông thôn, len lỏi vào các điểm vui chơi, giải trí, kinh doanh nhạy cảm như các quán karaoke, khách sạn... Điều rất đáng báo động việc sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng trong giới trẻ, chủ yếu là thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 đến 30, tập trung đông nhất vào thế hệ 9X, 10X, có nhiều em tuổi đời còn rất trẻ chỉ 15, 16 tuổi (nhiều đối tượng chưa thuộc diện quản lý của cơ quan chức năng). Đa số là các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp thường ăn chơi, đua đòi, hoặc có hoàn cảnh gia đình éo le; đối tượng cờ bạc, đòi nợ thuê, một số nghiện hêrôin trước đó chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp và nhiều đối tượng loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Nguồn ma túy tổng hợp vận chuyển về Thái Bình chủ yếu từ các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hà Nội. Thời gian gần đây đã xuất hiện hành vi sản xuất trái phép ma túy tổng hợp từ những tiền chất đơn giản, dễ thu thập, do đó rất khó cho công tác đấu tranh.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quýnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma  túy, Công an tỉnh: Nguyên nhân của sự gia tăng người sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay chủ yếu do sự buông lỏng quản lý của các gia đình, sự thiếu hiểu biết của một số người về hậu quả, tác hại của ma túy tổng hợp, dẫn đến không làm chủ bản thân để sa vào tệ nạn xã hội. Công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy tổng hợp còn nhiều vướng mắc, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở để đối tượng lợi dụng hoạt động. 

Cũng theo Thượng tá Quýnh, trong thời gian tới việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng trong thanh thiếu niên, thậm chí sẽ len lỏi đến các gia đình, trường học nếu không phòng ngừa tốt. Do đó, để ngăn chặn có hiệu quả loại ma túy nguy hiểm này, cấp ủy, chính quyền các cấp cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phối hợp lực lượng công an triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy. Tập trung các giải pháp cấp bách gắn với thường xuyên, lâu dài; kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh, giữa giảm cung với giảm cầu, giảm tác hại, lấy phòng ngừa là chính, trong đó coi trọng phòng, chống ngay từ gia đình, nhà trường, tổ dân phố, khu dân cư, gắn tránh nhiệm với cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và từng người dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, hậu quả, tác hại của ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng. Ngoài việc tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội, phải đặc biệt chú trọng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ bị đối tượng tội phạm ma túy lôi kéo và tại các địa bàn trọng điểm, nhiều người nghiện, có tụ điểm, điểm bán ma túy.

Nguyễn Tùng