Thứ 2, 25/11/2024, 03:45[GMT+7]

Phanh tự động khẩn cấp ô tô sẽ giúp bạn an toàn như thế nào?

Thứ 5, 21/02/2019 | 09:01:38
2,039 lượt xem
Tương tự hệ thống phanh ABS, hệ thống phanh khẩn cấp AEB giúp cho người lái an toàn hơn trong các tình huống nguy hiểm.

Phanh khẩn cấp AEB được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông

Mới đây, Liên Hợp Quốc thông báo hiện đã có 40 quốc gia nhất trí một dự thảo quy định cần phải trang bị phanh tự động khẩn cấp (AEB) trên ô tô đời mới và xe thương mại hạng nhẹ từ đầu năm 2020.

Trong số 40 quốc gia đồng ý dự thảo này, nổi bật có Nhật và Liên minh Châu Âu (EU), vốn là quê hương của phần lớn các thương hiệu xe hơi trên thế giới. Điều này có thể hiểu là hệ thống phanh khẩn cấp tự động tới đây sẽ trở thành một tiêu chuẩn cho hầu hết các loại xe như hệ thống chống bó cứng phanh ABS vừa qua.

Vậy hệ thống phanh khẩn cấp là gì, tại sao phải trang bị hệ thống này cho xe?

Hệ thống phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB) là hệ thống an toàn có khả năng ngăn chặn sớm một vụ tai nạn hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm với xe phía trước. Nó đặc biệt hữu ích trong trường hợp người lái gặp chướng ngại vật bất ngờ và không kịp xử lý đạp phanh hoặc chỉ đạp nhẹ phanh. 

Đúng như tên gọi, hệ thống phanh tự động khẩn cấp có chức năng chính là tự động phanh xe một cách độc lập với lái xe trong tình huống nguy cấp, đưa ra cảnh báo sớm cho người lái về nguy cơ va chạm bằng âm thanh, hình ảnh hoặc rung vô lăng, hoặc kết hợp cả ba.

Hệ thống AEB có chức năng thông minh hơn nhiều so với hệ thống trợ lực phanh (BA). Cụ thể, hệ thống trợ lực phanh (BA), không phát hiện được mối nguy như AEB, mà chỉ hỗ trợ tài xế đã đạp phanh đủ lực, khi mà vì lí do nào đó tài xế đạp phanh không đủ lực để dừng xe.

Video: phanh_khan_cap_aeb_se_la_tieu_chuan_an_toan_phai_co.mp4

Clip Clip mô phỏng hệ thống AEB hoạt động trên xe Land Rover

Tùy theo nhà sản xuất mà hệ thống AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện va chạm tiềm tàng với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm.

Hệ thống AEB có thể chia làm 3 loại chính gồm hệ thống cảnh báo ở tốc độ thấp, hệ thống cảnh báo ở tốc độ cao và cảnh báo tránh va chạm với người đi bộ. Đối với mỗi nhà sản xuất, hay từng dòng xe cụ thể mà có thể trang bị một trong ba hệ thống này hoặc trang bị cả 3 loại cho một xe.

Hệ thống này là sẽ tự tắt nếu phát hiện lái xe bẻ tay lái chuyển hướng di chuyển.

Hầu hết các hãng xe ngày nay đều có hệ thống phanh tự động khẩn cấp cho riêng mình, với những tên gọi khác nhau: PRE-SAFE Brake (Mercedes-Benz), Pre Sense Plus (Audi), Driving Assistant Plus (BMW) Active City Stop (Ford), Pre-Crash Safety System (Toyota) hay Smart City Brake Support (Mazda) v.v..

Tại Việt Nam, hệ thống AEB hầu như chỉ được trang bị trên các dòng xe sang với những tên gọi khác nhau như: PRE-SAFE của Mercedes-Benz (E-Class, C-Class v.v.), Autonomous Emergency Braking của Land Rover (Range Rover Sport, Range Rover Velar, Discovery), v.v.

Tuy tên gọi khác nhau nhưng các hãng xe đều khuyến cáo người lái rằng AEB chỉ có thể hỗ trợ phần nào, quan trọng nhất vẫn là con người, cũng như hãng không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người lái không tập trung khi lái xe, không sử dụng điện, buông cả hai tay khỏi vô lăng.

Ví dụ như trên chiếc Land Rover Discovery, AEB chỉ hoạt động dưới 80 km/h. Ở tốc độ thấp 5-35 km/h, AEB được kích hoạt thông báo trên bản táp lô. Khi xe đạt tốc độ 35km/h - 80 km/h, thông báo "Forward Alert" và một biểu tượng màu đỏ được hiển thị để nhắc tài xế cẩn thận.

Về lý thuyết, AEB có thể hoạt động dưới mọi điều kiện thời tiết, nhưng thực tế sẽ hơi sai lệch. Trong điều kiện sương mù, chói nắng, có thể ảnh hưởng đến khả năng phát hiện mối nguy hiểm (đối với những hệ thống dùng tín hiệu camera).

Ngoài ra, hệ thống AEB được thiết kế chỉ để tránh va chạm ở phia trước, và không kích hoạt khi bạn đang lùi, hoặc xe va chạm phía sau. Có những công nghệ khác giúp bạn tránh va chạm khi lùi xe như cảm biến lùi, camera lùi.

Theo Viện bảo hiểm an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), AEB có thể ngăn chặn được 20% vụ va chạm xảy ra. Mỗi năm ở Mỹ có 5 triệu vụ va chạm, như vậy khi áp dụng sẽ giảm ngay lập tức 1 triệu vụ.

Một nghiên cứu của chính quyền Úc năm 2013 cho thấy AEB có thể ngăn ngừa được 35% va chạm phía sau và 53%va chạm được giảm nhẹ.

Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê nhưng số lượng xe được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp AEB khá ít (chỉ ở một số dòng xe sang). Gần như hầu hết các dòng xe khách, xe tải, những xe hay gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiệm trong lại không được trang bị hệ thống này.

Tuy nhiên, chất lượng đường sá cũng như ý thức người dân lái xe, đi đường ở Việt Nam chưa cao cũng khiến phanh khẩn cấp tự động AEB khó phát huy được công năng.

 Theo vietnamnet.vn