Thứ 6, 10/01/2025, 10:26[GMT+7]

Hoàng Diệu: Nhộn nhịp vào vụ đào mới

Thứ 2, 25/02/2019 | 09:06:48
3,429 lượt xem
Để có được một cây đào đẹp đến với mỗi gia đình dịp tết, đòi hỏi sự dày công chăm sóc, vun xới của người nông dân trong suốt cả một năm. Sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người trồng đào phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) lại hối hả bắt tay vào vụ mới chuẩn bị cho tết năm sau.

Cắt tỉa hoa, cành đào để chuẩn bị trồng vụ mới sau khi khách vừa trả cây.

Hiện nay, diện tích trồng đào của phường Hoàng Diệu đạt trên 13,5ha. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nông dân phường tiếp tục có một vụ đào thắng lợi. Tổng thu nhập từ trồng đào toàn phường đạt gần 20 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân giàu lên nhờ nghề trồng đào. Mức thu nhập phổ biến đạt từ 100 - 150 triệu đồng, nhiều hộ đạt từ 500 - 700 triệu đồng. Sau tết thời tiết thuận lợi, người dân đã thu gom những gốc đào cho thuê để chăm sóc, đồng thời trồng bổ sung nhiều gốc đào mới, thực hiện cắt, ghép theo hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, bà con đã trồng lại, trồng mới trên 25.000 gốc đào, còn khoảng 5.000 gốc đào sẽ hoàn thành trồng trong tháng Giêng.

Đến làng Sa Cát, phường Hoàng Diệu những ngày này mới thấy, dù là thời điểm sau tết Nguyên đán nhưng không khí lao động trong các nhà vườn trồng đào vẫn nhộn nhịp không kém so với thời điểm giáp tết, bởi hầu hết các hộ dân đều ra vườn trồng cây vụ mới. Người đào hố, người trồng, tưới cây… tiếng cười nói rộn rã khắp nơi. Trên các ngả đường tấp nập xe máy, ô tô, xe ba gác... chở đào từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về vườn. Một trong những việc quan trọng nhất trước khi trồng đào là phải thay đất mới. Vì vậy, ngay sau tết mọi nhà đều phải chuẩn bị đất, phơi ải và san đất. Dù chăm sóc vất vả, tốn nhiều thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và giá cả song với người dân Hoàng Diệu thì hơn 20 năm qua, trồng đào vẫn là nghề mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa và các loại cây hoa màu khác. 

Ông Trương Văn Đáng, tổ 31, phường Hoàng Diệu chia sẻ: Nghề của chúng tôi rất vất vả, chỉ được nghỉ vài ba ngày tết rồi lại khẩn trương bắt tay vào vụ mới ngay khi người dân chơi tết xong. Từ mùng 4 tết đến nay ngày nào hai vợ chồng tôi cũng tất bật ở vườn đào từ sáng sớm. Thời điểm khách hàng đến trả hoặc gửi chăm sóc cây đông nhất là từ mùng 8 cho đến hết tháng Giêng. Mấy hôm nay, thời tiết thuận lợi, nhiệt độ không quá cao, có mưa phùn nên đào phát triển rất tốt. Vụ đào tết vừa qua, gia đình tôi cho thuê trên 100 gốc, bán hơn 100 gốc, giá từ 2,5 - 8 triệu đồng/cây. Sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Đến nay, gia đình đang đi thu gốc về trồng. Ngoài ra, gia đình trồng mới thêm 220 gốc, nhận gửi của bà con 30 gốc đào. 

Một trong những hộ gia đình có tiếng trồng đào làng Sa Cát phải kể đến là gia đình anh Vũ Văn Bạch, tổ 33, phường Hoàng Diệu. Với 200 gốc đào bán và cho thuê, vụ đào vừa qua đã mang lại nguồn thu gần 300 triệu đồng cho gia đình. Những ngày này, hai vợ chồng anh cùng 2 lao động đang tất bật ngoài vườn đào từ sáng sớm đến tối muộn để kịp vụ mới. 

Anh Bạch chia sẻ: Một năm chúng tôi chỉ nghỉ một vài ngày tết rồi lại bắt tay vào làm việc ngay. Hiện, gia đình tôi đã xuống giống khoảng gần 250 gốc đào và cắt cành, bón phân cho toàn bộ những gốc đào còn lại, cố gắng từ nay đến 20 tháng Giêng sẽ trồng xong vụ đào mới.

Dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, thời tiết nắng ấm, đào nở sớm nên giá đào thấp hơn so với năm trước, trong khi chi phí đầu tư tăng cao hơn. Tuy nhiên, theo các hộ trồng đào, thu hoạch từ những cây trồng này vẫn cao hơn so với trồng lúa hay cây hoa màu khác. 

Ông Vũ Văn Phiên, tổ 31, phường Hoàng Diệu có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng đào cho biết, gia đình ông trồng gần 4 sào với gần 300 gốc đào. Tết Nguyên đán vừa rồi, tỷ lệ cây cho thu hoạch đạt 80%, trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng. So với vụ đào năm trước lợi nhuận giảm khoảng 30% nhưng so với cấy lúa, mức thu nhập này vẫn cao hơn rất nhiều. Do đó, dù chăm sóc vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn hy vọng được mùa vào tết năm sau.

Minh Nguyệt