Thứ 7, 23/11/2024, 07:50[GMT+7]

Tiền Hải: Đề cao công tác tiêu độc, khử trùng trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ 2, 25/02/2019 | 09:13:24
1,675 lượt xem
Nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn, huyện Tiền Hải tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến nhân dân chủ động có biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tránh không để dịch bệnh xảy ra tại địa phương.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Huyện Tiền Hải có đàn trâu, bò 5.919 con, đàn lợn 135.000 con, đàn gia cầm 1,33 triệu con. Tiền Hải luôn xác định phòng, ngừa dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi không chỉ giúp người chăn nuôi đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, bảo đảm giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững. Trong đó, việc tập trung thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng loạt là biện pháp tối ưu hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. 

Hiện nay, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, lực lượng thú y viên đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi tại cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, áp dụng rộng rãi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, tự giác tiêm phòng đối với vật nuôi. Năm 2018, huyện Tiền Hải đã tiêm phòng 175.753 liều vắc-xin dịch tả lợn, 29.631 liều tụ dấu trùng, 56.047 liều phó thương hàn, 89.329 liều lở mồm long móng...  

Trước mỗi đợt tiêm phòng, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đều hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho các địa phương. Trạm đã cắt cử cán bộ phụ trách cùng với cán bộ ban chăn nuôi và thú y các xã xuống các hộ dân tuyên truyền, khuyến cáo, bố trí thời gian để triển khai tiêm phòng theo thời gian đã đề ra. Chú trọng tuyên truyền đối với những trang trại chăn nuôi lớn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng cho chủ trang trại, chủ động tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi, thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng tại khu vực chăn nuôi. Hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở sản xuất giống…

Đặc biệt, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ ảnh hưởng đến đàn lợn tại địa phương nếu không có biện pháp phòng tốt sẽ gây thiệt hại về kinh tế, môi trường. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh, khi nhiễm bệnh lợn chết rất nhanh và gây chết hàng loạt. Biện pháp phòng là vệ sinh tiêu độc, khử trùng là hiệu quả nhất, do đó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các địa phương hướng dẫn đúng kỹ thuật phun hóa chất tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật. Phát động nhân dân tập trung vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật, vệ sinh các chợ. 

Trong đợt tiêu độc, khử trùng đến ngày 31/1, toàn huyện đạt diện tích 2.844.652m2. Ngoài ra, vận động các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cam kết thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường. Thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nơi tập trung thu mua, giết mổ gia súc. Đối với trại chăn nuôi lớn, cơ sở giết mổ tập trung cần thực hiện các biện pháp thiết thực theo sự giám sát của chính quyền địa phương và ban chăn nuôi và thú y xã. Khuyến cáo nhân dân phun hóa chất sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi và vùng phụ cận 2 lần/tuần hoặc sử dụng vôi bột rắc mỗi tuần 1 lần cho vùng phụ cận. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, chủ động tiêm phòng vắc-xin nhắc lại cho đàn vật nuôi. Vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân cùng tham gia tuyên truyền phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm hiện nay.

Mạnh Thắng