Chủ nhật, 03/11/2024, 04:17[GMT+7]

Thành phố phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 26/02/2019 | 08:52:32
1,153 lượt xem
Thành phố Thái Bình hiện có 27 trang trại, 263 gia trại, gần 2.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn trên 22.000 con, đàn gia cầm trên 100.000 con, đàn trâu bò gần 800 con. Để chủ động xử lý mầm mống dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến đàn gia súc, gia cầm, hơn một tháng nay trên 450 lít hóa chất, 1.550kg vôi bột đã được các địa phương, hộ chăn nuôi sử dụng để tiêu độc, khử trùng khu vực công cộng, chuồng trại chăn nuôi.

Phun hóa chất phòng bệnh cho đàn lợn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức chiến dịch tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn. Để chiến dịch được tổ chức đạt hiệu quả, thành phố hỗ trợ gần 400kg hóa chất cho các xã, phường. Ngoài ra, các xã, phường chủ động mua thêm hóa chất và vôi bột để tiêu độc, khử trùng. 

Ông Đinh Gia Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Ngay sau khi có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; yêu cầu các ngành, các địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tập trung, quyết liệt, không chủ quan xem nhẹ; trong đó chú trọng duy trì thường xuyên, liên tục công tác tiêu độc, khử trùng. Các xã, phường tuyên truyền đến người dân, khi phát hiện có nghi vấn của bệnh phải báo cáo nhanh cho thú y cơ sở, sau đó lực lượng chức năng của thành phố sẽ kiểm tra, xác minh rõ ràng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tất cả các phương tiện vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn ra, vào thành phố; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào thành phố. Đặc biệt, phải tổ chức tiêu hủy nếu phát hiện những trường hợp vi phạm vận chuyển, tiêu thụ không rõ nguồn gốc. Đồng thời, UBND thành phố giao Phòng Kinh tế phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường nếu phát hiện có ổ dịch cần tập trung khoanh vùng, xác định nguyên nhân gây bệnh để xử lý triệt để.

Anh Vũ Duy Khiết, thôn Tống Thỏ Trung, xã Đông Mỹ chăn nuôi theo quy mô gia trại đã nhiều năm nay. Mỗi lứa chăn nuôi gia trại của anh duy trì từ 300 - 400 con lợn. Tuy nhiên, sau đợt xuất chuồng phục vụ tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, hiện đàn lợn trong chuồng còn 40 con lợn thịt, 16 con lợn nái. Nhận thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, anh đã dừng việc tái đàn mới và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc hiện có. Theo đó, anh thường xuyên phun hóa chất khử trùng chuồng trại, không cho người lạ tiếp xúc với khu vực chuồng lợn. 

Anh Khiết chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi được biết bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường thức ăn nên gia đình tôi không cho lợn ăn thức ăn không rõ nguồn gốc mà chỉ sử dụng thức ăn của những công ty uy tín; tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh trên đàn lợn để hạn chế tối đa việc mắc dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho đàn lợn còn lại của gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đông cho biết: Toàn xã có 4.500 con lợn thịt, với 2 trang trại, 95 gia trại, trên 300 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND xã đã tập trung tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, vệ sinh khử trùng chuồng trại, giữ cho đàn lợn có sức khỏe tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, mắc bệnh. Xã đã tiếp nhận hóa chất của Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các khu vực công cộng, chợ, khu chăn nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc...

"Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý."

Ông Trần Xuân Trung, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố

Minh Nguyệt