Thứ 7, 11/01/2025, 19:04[GMT+7]

Hỗ trợ nông dân làm chủ các loại máy nông nghiệp

Thứ 5, 28/02/2019 | 09:53:42
824 lượt xem
Sau 3 năm thực hiện đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh đã có hàng nghìn nông dân được học, áp dụng tốt kiến thức vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ làm chủ máy móc nông nghiệp, ông Vũ Văn Khắc thôn Diệm Dương Đông, xã Trà Giang (Kiến Xương) khai thác tối đa công suất máy và phát huy hiệu quả.

Được tham gia lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức năm 2018, nhiều chủ máy làm đất, máy gặt đập liên hợp xã Trà Giang, huyện Kiến Xương rất phấn khởi. 

Ông Vũ Văn Khắc, thôn Diệm Dương Đông chia sẻ: Trước đây, khi bước vào mùa vụ thu hoạch lúa và làm đất cho nông dân gieo cấy, chúng tôi rất lo lắng vì sợ máy móc bị hỏng hóc. Mỗi lần máy bị hỏng là phải chờ rất lâu mới có thợ sửa từ thành phố về dẫn đến tình trạng công việc bị ùn tắc, thu nhập bị ảnh hưởng và tiến độ sản xuất của bà con nông dân chậm lại. Từ khi được tập huấn kiến thức, kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp đã hạn chế hiện tượng máy móc bị hỏng và nếu có hỏng hóc thông thường chúng tôi có thể sửa chữa được ngay, vừa tiết kiệm được chi phí vừa duy trì công việc liên tục.

Niềm vui của những chủ máy cơ khí nông nghiệp như ông Khắc cũng mang lại sự yên tâm đối với HTX SXKD DVNN xã Trà Giang. Ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Nông dân thuần thục vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp giúp cho tiến độ sản xuất của địa phương đúng kế hoạch và việc điều hành lịch thời vụ cũng được thuận lợi góp phần làm nên những mùa vụ bội thu.

Không riêng ở Trà Giang, trong 3 năm qua (2016 - 2018) đã có 6.440 nông dân là chủ máy, lao động vận hành máy cơ khí nông nghiệp ở 157 xã trong tỉnh được trang bị các kiến thức về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp. Do đặc thù các học viên nông dân ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ, nhận thức không đồng đều nên Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức dạy lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành nên các học viên tham gia lớp tập huấn đều nắm vững được cấu tạo, nguyên lý hoạt động của động cơ từng loại máy móc, những “bệnh” thông thường hay gặp phải và cách sửa chữa, thay thế phụ tùng, thiết bị. 

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đến nay chúng tôi đã tổ chức được 184 lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân. Tổng số máy móc được hướng dẫn sửa chữa, thay thế trong các lớp tập huấn là trên 1.000 máy bao gồm máy làm đất, máy gieo hạt, máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát, máy sục khí, máy bơm nước, quạt đập nước... Sau các lớp tập huấn, 100% học viên biết vận hành máy móc đúng quy trình và tự sửa chữa được một số hỏng hóc thông thường về phần cơ, điện, nhiệt của máy móc.

Trình độ, kỹ năng vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp của nông dân các địa phương trong tỉnh được nâng lên góp phần giúp bà con khai thác có hiệu quả đầu tư máy móc, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi. 

Đặc biệt, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, các lớp tập huấn đã mang lại cho nông dân tư duy mới về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nhiều nông dân đã chuyển đổi việc làm từ trực tiếp thâm canh sản xuất sang làm dịch vụ nông nghiệp cũng mang lại thu nhập khá, cải thiện chất lượng cuộc sống. Không chỉ vậy, việc nông dân có kiến thức cơ bản về máy móc, vận hành đúng quy trình đã giảm thiểu tai nạn, thương tích trong lao động bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bà con và duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và góp phần giúp các địa phương triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng kế hoạch tập huấn cho nông dân trong tỉnh thời gian tới. 

Theo đó, qua kết quả điều tra nhu cầu thực tế của nông dân, trong 2 năm (2019 - 2020) Trung tâm sẽ tổ chức mở 67 lớp tập huấn cho 3.228 lao động ở 60 xã trên địa bàn tỉnh; trước mắt, ưu tiên mở lớp tập huấn cho nông dân các xã chưa về đích nông thôn mới.

Hà Thanh