Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Tại xã Đông Đô, nơi phát hiện ổ dịch, chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động, khẩn trương từ việc tiến hành rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường đến công tác lập chốt kiểm soát dịch bệnh thường xuyên, nghiêm túc 24/24 giờ.
Ông Nguyễn Viết Luyết, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Đông Đô cho biết: Hiện nay toàn xã có trên 11.700 con lợn, trong đó hơn 1.400 con lợn nái, 23 lợn đực giống, trên 5.300 con lợn thịt, gần 5.000 lợn con. Khi phát hiện ổ dịch tại địa phương, chính quyền và các hộ dân đã chủ động làm vệ sinh môi trường, rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Đến nay, địa phương đã sử dụng trên 33 tấn vôi bột và trên 600kg hóa chất. Toàn xã hiện có 7 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ, lối vào xã, hoạt động 24/24 giờ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra tình trạng người dân đưa lợn bị bệnh ra, vào địa phương. Ngoài ra, tổ công tác của huyện, tỉnh cũng thường trực 24/24 giờ tại địa phương để chỉ đạo, hỗ trợ đôn đốc việc khoanh vùng dịch, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, xã không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Mong rằng trong thời gian tới địa phương sẽ khoanh vùng và dập được ổ dịch bệnh này.
Còn tại xã Minh Khai, những ngày qua công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây thực hiện khẩn trương, tích cực. Công tác vệ sinh môi trường, rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng đường liên xã, thôn, xóm được tiến hành triệt để. Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Văn Tuyến, Trưởng thôn Thanh La, xã Minh Khai cho biết: Sau khi có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chỉ đạo của địa phương, nhân dân trong thôn đã chủ động rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ đàn lợn. Nhìn chung, người dân đều có ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết thêm: Mặc dù địa phương chưa xảy ra hiện tượng lợn bị bệnh, song công tác phòng, chống dịch bệnh đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Đến ngày 27/2, toàn xã đã cấp phát cho hộ dân và sử dụng gần 10 tấn vôi bột và phun 90 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng. Địa phương cũng đã chuẩn bị lượng vôi bột và hóa chất dự phòng; thành lập các tổ làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng ứng trực khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở xã Đông Đô (Hưng Hà).
Được biết, toàn huyện Hưng Hà hiện có trên 115.000 con lợn. Từ khi phát hiện ổ dịch bệnh, huyện Hưng Hà đã tích cực chỉ đạo các địa phương phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và tổ công tác về cơ sở phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương. Tổ chức nhiều cuộc họp khẩn và ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, ngay khi phát hiện ổ dịch, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương trong huyện tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, triển khai các biện pháp chủ động ngăn chặn, tránh gây hoang mang cho người dân. Riêng ngành Nông nghiệp huyện tổ chức theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, tổng hợp báo cáo về tình hình, công tác phòng, chống dịch bệnh để kịp thời báo cáo UBND huyện có phương án xử lý. Huyện Hưng Hà cũng chỉ đạo rà soát lại việc phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo của huyện về phòng, chống dịch bệnh, trong đó ưu tiên tập trung lực lượng cho xã Đông Đô. Khuyến cáo để người dân tạm dừng việc tái đàn trong thời điểm này. Đặc biệt, kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn tại địa phương.
Tính đến ngày 27/2, các địa phương trong huyện Hưng Hà đã sử dụng trên 131 tấn vôi bột và gần 3.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng. Trong thời gian tới, các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần nhanh chóng xử lý ổ dịch và không để bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Huyện Thái Thụy đang tích cực triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nhiều xã đã thành lập các chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn huyện.
Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn huyện qua đường vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, toàn huyện Thái Thụy đã thành lập 19 chốt kiểm dịch động vật tại 15 xã có vùng giáp ranh, nhất là tại các xã có vùng giáp ranh với huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng).
Có mặt tại chốt kiểm dịch động vật cầu phao sông Hóa, xã Hồng Quỳnh vùng tiếp giáp với xã Nam Am, huyện Vĩnh Bảo chúng tôi được chứng kiến lực lượng công an và thú y viên của xã đang tích cực làm nhiệm vụ.
Ông Đỗ Duy Thiết, Chủ tịch UBND xã Hồng Quỳnh cho biết: Chốt kiểm dịch động vật cầu phao sông Hóa được thành lập và hoạt động từ ngày 24/2 theo chỉ đạo của huyện. Chốt thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn huyện. Đồng thời, thực hiện tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch. Tại chốt kiểm dịch động vật cầu phao sông Hóa hàng ngày có rất đông người và phương tiện ra, vào địa bàn huyện, vì vậy địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, trực 24/24 giờ.
Hiện nay, toàn huyện Thái Thụy có khoảng 130.000 con lợn, trong đó lợn nái 36.855 con, lợn thịt 65.910 con, lợn con 27.076 con, còn lại là lợn đực giống. Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này tới cán bộ, lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể trong huyện.
Theo ông Đỗ Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, UBND huyện đã thành lập 4 đoàn kiểm tra của huyện làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm này tại các xã, thị trấn, thời gian kiểm tra từ ngày 26 - 28/2. Qua kiểm tra, nhìn chung các xã đã chủ động, triển khai tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của các cấp, ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dịch, trong đó có việc thực hiện tổng hợp, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn theo quy định. Đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh việc triển khai thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã trên.
Chốt kiểm dịch động vật tại cầu phao sông Hóa, xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy).
Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã, thị trấn, huyện Thái Thụy đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Đài TTTH huyện về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND các xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã từ 1 - 2 lần/ngày về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã phát 7.160 tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, đã tổ chức ký kết phòng, chống dịch bệnh với các cơ sở thu mua, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, chủ các bến đò, phà, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Kết quả, đã ký cam kết với 320 cơ sở giết mổ, 48 hộ kinh doanh gia súc, gia cầm và 6 chủ đò trên địa bàn huyện.
Với sự triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của các cấp, ngành huyện Thái Thụy đã góp phần ngăn ngừa bệnh dịch nguy hiểm này lây lan vào địa bàn huyện. Hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại địa bàn huyện Thái Thụy.
Mai Thư - Trần Tuấn
Tin cùng chuyên mục
- Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình: Ủng hộ hơn 900 triệu đồng xây dựng nông thôn mới 11.01.2025 | 16:32 PM
- Các trường học ở Thái Thụy: Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển đổi số 11.01.2025 | 16:32 PM
- Lưu ý chọn môn thứ 3 và tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh THCS, THPT 11.01.2025 | 15:55 PM
- Những lễ hội nổi tiếng của Thái Lan 11.01.2025 | 15:55 PM
- Nghi vấn smartphone nghe lén quay trở lại 11.01.2025 | 15:55 PM
- Xe bay dạng module đầu tiên trên thế giới 11.01.2025 | 10:18 AM
- Kết nối các nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam 11.01.2025 | 15:55 PM
- Quá trình xây dựng kỳ quan - Nhà hát Opera Sydney 11.01.2025 | 10:18 AM
- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết và tặng quà tại Phú Thọ 11.01.2025 | 10:18 AM
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên 11.01.2025 | 10:19 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng