Thứ 7, 11/01/2025, 20:52[GMT+7]

Chủ động chăm sóc lúa xuân trong điều kiện thời tiết ấm

Thứ 3, 05/03/2019 | 08:47:55
1,060 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 25/2, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy trên 78.000ha lúa xuân. Thời tiết thuận lợi sau gieo cấy nên cây lúa phát triển nhanh. Hiện ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Khẩn trương tỉa dặm bảo đảm mật độ lúa.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định tình hình thời tiết vụ đông xuân 2018 - 2019 ở các tỉnh phía Bắc nói chung thời gian qua cũng như dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, cực đoan. Năng suất cây trồng cao, ít sâu bệnh hại là mong muốn lớn nhất của nông dân. Việc sử dụng các giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt và dùng hình thức gieo mạ nền để bảo đảm khi cấy xuống là mạ non, thời vụ cấy trước 25/2 để tránh lúa trỗ sớm gặp rét nàng Bân ảnh hưởng đến năng suất là những biện pháp được ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung chỉ đạo thời gian qua. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích lúa gieo cấy sớm trước lịch thời vụ, đến nay lúa đã đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ, nguy cơ trỗ sớm ảnh hưởng đến năng suất; thời tiết ấm là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các giống nhiễm ngay từ tuần đầu của tháng 3. Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chăm sóc lúa xuân, trong đó tập trung huy động nông dân cắt sạch cỏ bờ, dọn mạ non dư thừa trên ruộng để hạn chế các đối tượng sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, phun phòng bệnh ngay từ tuần 1 tháng 3 đối với các diện tích lúa có vết bệnh cấp. 

Thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi, tưới nông và giữ ẩm xen kẽ giúp lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, tập trung. Tiến hành tỉa dặm, bảo đảm mật độ; bảo quản tốt diện tích mạ còn dư thừa tại nơi gieo để dự phòng khi có diễn biến bất thường. Tranh thủ thời tiết ấm, bón thúc kịp thời ngay sau khi lúa bắt đầu đẻ nhánh bằng phân NPK chuyên thúc với quan điểm bón nặng đầu nhẹ cuối, tăng cường bón thêm lân supe hoặc các dạng phân NPK giàu lân cho lúa mới cấy và lúa gieo thẳng. Đối với diện tích lúa cấy sớm có nguy cơ trỗ bông đầu tháng 4 cần chủ động biện pháp bón phân thúc làm 2 đợt để kéo dài thời gian sinh trưởng; diện tích lúa chậm sinh trưởng, rễ đen khuyến cáo nông dân sử dụng các dạng phân qua lá có hàm lượng lân cao tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng kịp thời. Phát động nông dân tập trung diệt chuột, ốc bươu vàng; tập trung nhân lực thu vớt bèo bồng để khơi thông dòng chảy, giảm chi phí nhân công, không dùng thuốc cỏ để diệt bèo và phun trên bờ thửa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe.

Có mặt trên cánh đồng xã Trọng Quan (Đông Hưng) thời điểm này, một số diện tích gieo cấy trước tết Nguyên đán, lúa đã đẻ nhánh kín mặt ruộng. 

Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Thời tiết nồm ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ do vậy ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ nông dân, chúng tôi tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát tình hình sâu bệnh, có biện pháp khoanh vùng để xử lý kịp thời. Đối với diện tích gieo cấy sớm, HTX chỉ đạo tăng lượng phân bón từ 10 - 15%, đồng thời không bón tập trung mà chia thành 2 đợt cách nhau khoảng 10 ngày để kéo dài thời gian sinh trưởng, bảo đảm lúa trỗ trong thời gian tốt nhất. Đến nay nông dân đã kết thúc bón thúc đợt 1.

Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện vụ đông xuân ấm, ngành Nông nghiệp đã huy động cán bộ tăng cường cho cơ sở, trong đó tập trung ở các địa phương có lúa gieo cấy trước thời vụ của tỉnh, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh đạo ôn ngay từ khi có vết bệnh, không để bệnh lây lan ra diện rộng; chủ động công tác điều tra, dự báo sâu cuốn lá nhỏ, khoanh vùng phun trừ diện tích có mật độ trên 40 con/m2 ngay ở thời kỳ lúa đẻ nhánh.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày