Thứ 2, 01/07/2024, 00:14[GMT+7]

Nam Hồng: Chủ động phòng tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 06/03/2019 | 08:43:32
1,234 lượt xem
Để bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ của bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã Nam Hồng (Tiền Hải) đã chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.

Các hộ chăn nuôi lợn ở xã Nam Hồng tăng cường tiêu độc, khử trùng tại khu vực chăn nuôi.

Tại vùng chuyển đổi chăn nuôi tập trung thôn Phú Lâm, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động cấm người ngoài vào thăm trang trại và rắc vôi bột quanh chuồng, thực hiện khử trùng chuồng trại 1 tuần/2 lần; tiêm vắc-xin phòng một số bệnh cho đàn lợn theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Ông Đinh Văn Công, thôn Phú Lâm chia sẻ: Sau khi nghe thông tin của UBND xã về bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại Hưng Hà, Đông Hưng, tôi không chủ quan, lơ là trong công tác phòng bệnh cho 150 con lợn đến thời điểm xuất chuồng. Trong đó, thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại gia trại và khu vực lân cận. Tổ chức giám sát thường xuyên tình trạng sức khỏe của đàn lợn.

Đối với trang trại của gia đình anh Phạm Văn Minh, thôn Đông Biên Bắc, hiện nay đã thực hiện cấm người ngoài vào thăm trang trại đồng thời sử dụng hóa chất phun xung quanh khu vực chuồng nuôi. Tăng cường chăm sóc đàn lợn, phòng bệnh bằng vắc-xin đối với các bệnh do vi rút như: dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng... đồng thời tăng sức đề kháng cho đàn lợn bằng cách bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B, beta glucan...

Ông Phạm Văn Khiết, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Nam Hồng cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của địa phương khoảng 3.350 con, trong đó 800 lợn nái, lợn thịt 2.550 con. Xã đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo trên hệ thống truyền thanh đến các chủ trang trại về bệnh dịch tả lợn châu Phi, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên đàn lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Loại vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Bệnh này hiện không có thuốc chữa và chưa có vắc-xin để phòng bệnh. 

Để bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, biện pháp tốt nhất là các hộ, cơ sở chăn nuôi phải thường xuyên, định kỳ thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi; tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao khả năng miễn dịch cho đàn lợn. Nhập lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập vật nuôi. Giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra các cơ sở giết mổ, kịp thời ngăn chặn việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu vào địa phương. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Đến nay, địa phương đã tiêm phòng 3.200 liều vắc-xin các loại, xử lý tiêu độc, khử trùng khoảng 75.000m2 tại các bến đò, bãi rác, vùng chăn nuôi.


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày